(VOV5) - Với NSND Vũ Thị Kim Dung, ngâm thơ không chỉ là biểu diễn mà còn là cách sống, là cách cảm và truyền cảm.
Theo thông tin từ gia đình, NSND Vũ Thị Kim Dung – người được mệnh danh là “giọng ngâm thơ vàng” – đã trút hơi thở cuối cùng lúc 13h15 tại Cộng hòa Séc, hưởng thọ 80 tuổi.
NSND Kim Dung |
Bà là một trong những giọng ngâm thơ tiêu biểu của Việt Nam, gắn bó sâu đậm với chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ.
Nghệ sĩ Kim Dung sinh năm 1945 tại Nam Định. Khi mới 16 tuổi, bà trúng tuyển vào Đoàn Cải lương Trung ương, chính thức bước vào con đường nghệ thuật. Sau nhiều thử sức, bà chọn con đường ít người đi – ngâm thơ – một bộ môn không trường lớp, đòi hỏi cảm thụ tinh tế và kỹ thuật biểu cảm đặc biệt.
NSND Vũ Kim Dung (thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ, phóng viên VOV6. |
Trong những năm 1960–1970, cùng các giọng ngâm Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc, Trần Thị Tuyết..., Kim Dung tạo nên bản sắc riêng cho “Tiếng thơ” – một chương trình phát thanh văn học đặc biệt trên làn sóng VOV. Bà đặc biệt nổi tiếng qua các bài thơ trong Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được biểu diễn hàng trăm lần ở trong nước và cả nước ngoài.
“Giọng ngâm là để chắp cánh cho thơ” – nghệ sĩ Kim Dung từng chia sẻ như vậy khi nói về công việc mà mình gắn bó cả đời. “Khi mình ngâm một bài thơ là mình đang chắp cánh cho nội dung tác phẩm. Phải làm sao để người nghe không chỉ hiểu mà còn cảm được cái hồn, cái tình của câu thơ,” bà nói.
Từng là cộng tác viên của Phòng phát thanh binh – địch vận (Tổng cục Chính trị), những bài thơ do Kim Dung ngâm được phát thanh qua sóng radio, giúp cảm hóa và lay động đối phương. Sau này, bà chính thức về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi bà gắn bó cho đến tận những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp.
Bà nhớ lại: “Phòng thu là nơi tôi gắn bó từ thời tuổi trẻ, nơi giọng ngâm thơ của mình được vang lên với đầy âm sắc. Một không gian ấm áp, đầy tình thương mến dành cho những người làm phát thanh, yêu phát thanh. Thế nên, nói ‘nhớ’ dường như là chưa đủ. Có một cái gì hơn cả nỗi nhớ”.
Ký ức chiến tranh in đậm trong tâm trí bà. Có lần từ điểm sơ tán ở chùa Thầy, bà đạp xe gần 40 cây số về Hà Nội để ngâm thơ phục vụ một đoàn dũng sĩ miền Nam. Trên đường quay lại, qua phố Khâm Thiên đúng lúc nơi đây vừa hứng trận bom ác liệt. “Chứng kiến cảnh tượng tan thương, chúng tôi chỉ biết động viên nhau phải sống, phải làm việc, làm sao để mỗi buổi ‘Tiếng thơ’ lên sóng, người nghe cảm nhận sâu sắc hơn sự mất mát của chiến tranh,” bà kể.
Thời bình, nghệ sĩ Kim Dung vẫn không ngừng đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước, bất kể nắng mưa. Bà thường đồng hành cùng các nhà văn, nhà thơ như Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Quần Phương… để đưa thơ ca đến với công chúng.
Với bà, ngâm thơ không chỉ là biểu diễn mà còn là cách sống, là cách cảm và truyền cảm. Bà từng nói: “Một bài thơ hay, nếu ngâm sai sẽ đánh mất tinh thần của nó. Tôi luôn cố gắng hiểu rõ hoàn cảnh ra đời bài thơ, ý đồ của tác giả. Tôi ngâm bằng cả tâm hồn mình”.
Bà đặc biệt tâm đắc với Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi gắn bó với thơ Bác vì thấy trong thơ Người có cả sự nhân văn, trí tuệ, và tình người sâu sắc. Tôi từng ngâm trọn bộ Nhật ký trong tù, thu thanh và gửi tặng Khu di tích Kim Liên như một món quà tri ân”, bà chia sẻ.
Sau khi nghỉ hưu, bà sang Cộng hòa Séc sống cùng con cháu. Tuy vậy, bà vẫn tiếp tục ngâm thơ tại các sự kiện cộng đồng, vẫn được khán giả nhận ra giọng ngâm đặc trưng từng vang lên trong “Tiếng thơ”.
Truyền nghề là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Nhiều thế hệ học trò được bà truyền dạy tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, tại lớp học ở nhà riêng, và trong đó có con gái – ca sĩ Thu Hương. Bà kể: “Tôi dạy con ngâm thơ Bác từ nhỏ. Có lần cháu còn được vào Phủ Chủ tịch ngâm thơ cho Bác và các lãnh đạo nghe”.
Gần đây, sau khi người bạn đời qua đời, nghệ sĩ Kim Dung về nước nhiều hơn. Năm 2023, trước khi chính thức nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, bà tham dự chương trình giao lưu “Tiếng thơ sóng bước cuộc đời” do VOV6 tổ chức. Tại đó, bà lại ngâm thơ Bác, thơ Nguyễn Bính – giọng ngâm vẫn vang, vẫn đầy cảm xúc, khiến khán giả nghẹn ngào.