(VOV5) - Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình đưa thương hiệu cà phê Đắk Lắk vươn ra thế giới.
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ nông trại EDE (MISS EDE) ở tỉnh Đắk Lắk, xuất khẩu container cà phê rang xay thành phẩm đầu tiên của thương hiệu MISS EDE sang thị trường Hoa Kỳ. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình đưa thương hiệu cà phê Đắk Lắk vươn ra thế giới.
Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng xuất khẩu container cà phê thành phẩm đầu tiên đến thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN |
Container cà phê rang xay thành phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gồm 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm. Đây là sản phẩm cà phê hoàn chỉnh, được đóng gói tại Việt Nam, không phải cà phê nguyên liệu hay gia công nhãn mác. Cà phê được sơ chế theo quy trình lên men đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ. Nguyên liệu cà phê được trồng tại vùng canh tác bền vững không xâm lấn rừng tự nhiên, đạt chứng nhận EUDR (Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu) và được quản lý bởi Simexco Đắk Lắk, đối tác chiến lược và đơn vị uỷ thác xuất khẩu của MISS EDE.
Doanh nghiệp nhập khẩu tại tiểu bang Illinois (Hoa Kỳ), phân phối sản phẩm trên hệ thống siêu thị địa phương, mở ra cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Hoa Kỳ và nâng cao thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết:
“Đây là một cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng đi kèm các thách thức không nhỏ. Tôi hy vọng thông qua những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam này, có thể truyền tải được dấu ấn của con người Việt Nam, gửi gắm câu chuyện của những người trồng và chăm sóc cà phê để tạo nên sản phẩm có giá trị tốt đẹp cho xã hội”
Xuất khẩu nông sản là một trong những thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua với kim ngạch bình quân trên 1 tỷ USD/ năm. Trong đó, cà phê là sản phẩm chủ lực truyền thống của tỉnh, xuyên suốt trong hoạt động xuất khẩu và đóng góp rất lớn vào tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Để phát triển ngành hàng cà phê bền vững, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh đã xây dựng nhiều đề án liên quan đến ngành hàng cà phê và có các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, thu hái cà phê đạt độ chín là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của cà phê Đắk Lắk.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân không thu trái xanh, phải đảm bảo đạt độ chín. Thứ hai là xử lý sau thu hoạch để đảm bảo cho sản phẩm cà phê đạt chất lượng. Thứ ba, đề nghị các đơn vị xuất nhập khẩu sớm bắt tay phối hợp với các hợp tác xã, đơn vị tổ chức của nông dân để sản phẩm của nông dân sau khi thu hái sẽ được sơ chế, chế biến phục vụ cho công tác xuất khẩu để đảm bảo chất lượng cũng như hiệu quả”.
Bên cạnh việc đầu tư sản xuất thì công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cà phê cũng được tỉnh Đắk Lắk quan tâm và đẩy mạnh. Việc có thêm một doanh nghiệp ở tỉnh xuất khẩu sản phẩm cà phê rang xay thành phẩm sang Hoa Kỳ không chỉ nâng cao giá trị của mặt hàng này mà còn là cơ hội để cà phê Việt Nam tiếp cận và khẳng định vị thế, giá trị thương hiệu tại các thị trường tiêu dùng lớn trên thế giới.