Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Hà Nam chú trọng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thu hút các nhà đầu tư liên kết sản xuất để đưa các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh vào các siêu thị, thị trường lớn.
Đến thời điểm này, tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã được hình thành và phát triển, thu hút được các doanh nghiệp lớn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Các đại biểu tham quan vườn hoa phong lan ứng dụng công nghệ cao tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam - Ảnh: Đài phát thanh truyền hình Hà Nam |
Từ năm 2015, tỉnh Hà Nam đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn kết giữa sản xuất chế biến với tiêu thụ nông sản để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tỉnh coi đây là động lực, là đầu tàu đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, là hạt nhân liên kết với các hộ nông dân để sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang tiến hành đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đem lại hiệu quả rõ nét như Dự án của Tập đoàn Vingroup tại khu nông nghiệp công nghệ cao của xã Xuân Khê- Nhân Bình, huyện Lý Nhân.
Tổng diện tích trên 180 ha, tổng vốn đầu tư ban đầu gần 300 tỷ đồng, sản xuất các loại rau ăn lá, cà chua, đậu bắp, bí ngòi, dưa chuột… Các khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển sẽ trở thành vùng lõi, là hạt nhân liên kết với các hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông sản sạch. Các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ ký hợp đồng hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch để bao tiêu, tiêu thụ nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân - Ảnh: Báo Người đại biểu nhân dân. |
Để phát triển nông nghiệp trở thành một trong những đòn bẩy để tăng trưởng bền vững của tỉnh Hà Nam, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất.
Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã được hình thành và phát triển, thu hút được các doanh nghiệp lớn, có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh như khu nông nghiệp công nghệ cao xã Xuân Khê - Nhân Bình với diện tích 180 ha, xã Nhân Khang diện tích 21,6 ha. Giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất ngoài trời đạt trung bình từ 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm, trong khu trong nhà kính đạt từ 3-4 tỷ đồng/ha/năm.
Dự án của công ty Vinasit tại khu nông nghiệp công nghệ cao Nhân Khang, huyện Lý Nhân, giai đoạn 1 đã đầu tư trên diện tích 21,4ha, tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, các loại nông sản chủ yếu là dưa lưới cao cấp và giống rau, giống ngô chất lượng cao bán tại các siêu thị lớn và các công ty giống.
Ông Vũ Văn Vương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, cho biết: “Sau 1 thời gian hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, chúng tôi nhận thấy rằng chính quyền tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp chúng tôi đứng chân trên địa bàn tỉnh. Điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội rất tốt, là địa bàn ít chịu ảnh hưởng của gió bão, dân cư hiền hòa và lực lượng lao động nông thôn dồi dào, đáp ứng tốt cho việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp.”
Đường liên thôn tại xã Liêm Phong (Thanh Liêm, Hà Nam) được bê tông hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN |
So với phương pháp trồng truyền thống, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã giúp người nông dân tiết kiệm rất nhiều công sức, chi phí. Toàn bộ quy trình nuôi trồng – chăm sóc – thu hoạch đều áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn tiên tiến, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ các điều kiện thông qua công nghệ tự động, bán tự động của Nhật Bản và Israel. Nhờ đó, hạn chế sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết hoặc sâu bệnh gây hại cho cây trồng trong quá trình sản xuất…, có thể trồng rau, củ, quả trái vụ vẫn đem lại năng suất và chất lượng bảo đảm. Trung bình, với 500 m2 nhà kính trồng dưa lưới, sau một vụ, người nông dân sẽ thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Xóm Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh được chọn để triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính.
Bà Nguyễn Thị Nhung, hộ trồng dưa lưới, cho biết: “Mô hình này mới đối với gia đình. Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất các cây rau theo cách thủ công chứ không được làm công nghệ cao như các mô hình hiện nay. Chính quyền cũng có khoản kinh phí hỗ trợ nên chúng tôi cũng mạnh dạn làm theo mô hình này. Lúc đầu cũng lo lắng vì vấn đề kỹ thuật, không biết có hiệu quả không. Khi làm thì thấy cũng dễ làm, không khó khăn lắm.”
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không chỉ tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng, mà còn góp phần giảm thiểu nhân công và tăng giá trị cây trồng so với phương pháp truyền thống. Cùng với đó, đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra giá trị mới cho nông sản... Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh Hà Nam đặt ra để đạt hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
CHUYÊN MỤC 3
Cải cách hành chính tại Hà Nam - giải pháp nhằm thu hút đầu tư
Thời lượng phát sóng: 5 phút
Cải cách thủ tục hành chính là khâu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Những năm gần đây Hà Nam đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
-----------------------
Một trong số phương hướng, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là: đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hoá nền hành chính. Tỉnh cũng xác định chỉ tiêu chủ yếu: phấn đấu Hà Nam nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Theo báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch số 1234/KH-UBND ngày 21/5/2021 của UBND tỉnh về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hà Nam năm 2021, Hà Nam là 1 trong 23 tỉnh, thành phố đã cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4. Đây là cơ sở quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tăng cường năng lực tiếp cận của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hà Nam, cho biết:
(Băng) Cải cách hành chính là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp tin tưởng vào chính quyền các cấp của tỉnh. Vừa qua, tất cả lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở, ngành các cấp rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% thời gian so với quy định. Có những nội dung còn yêu cầu cao hơn nữa hoặc các dự án trọng điểm của tỉnh thì thời gian sẽ còn giảm nữa. Nhưng đi kèm với đó là làm đúng, làm nhanh. Thủ tục hành chính nhanh, chính quyền niềm nở, năng động, và khi doanh nghiệp góp ý thì phản hồi ngay, trả lời ngay. Nhờ đó doanh nghiệp đánh giá rất cao phản hồi của chính quyền Hà Nam.
Những năm qua, tỉnh Hà Nam luôn nỗ lực chuyển dịch hành chính từ quản trị sang phục vụ. Việc lãnh đạo tỉnh xác định thủ tục hành chính phải nhanh, gọn, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư là hướng đi đúng. Đây là thành tố quan trọng bên cạnh việc ban hành chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các tổ chức tín dụng để vay vốn. Với các chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư của Hà Nam luôn được đánh giá cao và đã trở thành 1 trong 10 tỉnh thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước trong những năm gần đây. Đại diện một nhà đầu tư Hàn Quốc trong Khu công nghiệp Đồng Văn IV, cho biết:
(Băng) Các thủ tục đầu tư ở đây được giải quyết nhanh chóng, thông suốt. Chính quyền và các cơ quan tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy. Môi trường đầu tư rất thuận lợi.
Nhằm nâng cao các chỉ số thành phần góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tỉnh Hà Nam năm 2021, tháng 7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch số 694/KH-STTTT về việc thực hiện các chỉ số thành phần để cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tỉnh Hà Nam năm 2021. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp chính là: cung cấp thông tin hữu ích đối với doanh nghiệp (Thông tin quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật và điều hành, tài liệu về ngân sách); thường xuyên rà soát thông tin cũ, cập nhật thông tin mới trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam. Rà soát, đôn đốc, hỗ trợ cập nhật thông tin, cập nhật thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tuyên truyền, hỗ trợ để các doanh nghiệp chủ động tham gia Chuyên mục Hỏi - Đáp trên cổng giúp doanh nghiệp nhanh chóng và kịp thời nhận được thông tin phản hồi từ cơ quan nhà nước. Thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời, đầy đủ, chính xác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.
Hiện nay, tại Hà Nam, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh hoạt động thông suốt ổn định. Trong năm 2021 (tính đến ngày 14/12/2021): hơn 210 nghìn bộ hồ sơ được tiếp nhận và cập nhật vào hệ thống; giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,8%; có hơn 54 nghìn bộ hồ sơ trực tuyến, đạt 25,8%. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Everlast Việt Nam, chia sẻ:
(Băng) Thủ tục đơn giản. Khi đăng ký kinh doanh, cứ nộp hồ sơ lên là cấp phép, đúng hạn thì doanh nghiệp đến lấy. Mọi thứ đều thuận lợi.
Cải cách hành chính là vấn đề then chốt nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Việc lãnh đạo tỉnh, các Sở ngành Hà Nam quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hoá nền hành chính là yếu tố quan trọng để Hà Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư./.
CHUYÊN MỤC 4
Gìn giữ và phát triển thương hiệu cá kho Nhân Hậu –Hà Nam
Thời lượng phát sóng: 5 phút
Chẳng biết tự bao giờ, người dân thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, có tục kho cá vào mỗi dịp Tết âm lịch để cúng ông bà tổ tiên và sửu dụng làm món ăn. Mỗi gia đình đều có vài nồi cá kho Nhân Hậu để ăn Tết và dành để con cháu mang đi làm quà và dần dần kho cá đã trở thành một nghề, và vang danh khắp bốn phương.
---------------------
Cá kho Nhân Hậu hay còn gọi là Cá kho làng Đại Hoàng, cá kho làng Vũ Đại, cá kho Hà Nam, tất cả những tên gọi trên đều cùng là món cá kho cổ truyền của làng Vũ Đại (làng Đại Hoàng), nay là làng Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Món cá kho cổ truyền này đã nổi tiếng khắp nơi trên toàn quốc và còn xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện ở Nhân Hậu có 7 doanh nghiệp sản xuất cá kho với quy mô lớn và hàng tram hộ gia đình làm nghề kho cá, dịp Tết Nguyên đán hàng chục nghìn niêu cá được cung cấp ra thị trường trong nước và nước ngoài. Ông Trần Xuân Thực, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cá kho Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, cho biết: Nhờ bí quyết gia truyền cùng sự cầu kỳ từ lúc lựa chọn nguyên liệu, làm cá, tẩm ướp gia vị cho đến quá trình kho cá công phu nên sản phẩm cá kho Hòa Hậu rất được người tiêu dung ưa chuộng. Cá kho được bán quanh năm, nhưng tất bật và bận rộn nhất vẫn là vào dịp Tết Nguyên đán.
(Băng) Nhân Hậu có nghề kho cá cổ truyền, xuất phát từ rất lâu đời. Trước kia chủ yếu để biếu, tặng an hem, bạn bè… sau khi nhu cầu tăng thì sản phẩm cá kho trở thành một sản phẩm đưa ra thị trường. Gia đình nhà tôi đã làm cá kho từ cách đây 20 năm.
Nguyên liệu chuẩn bị cho món cá kho Nhân Hậu vô cùng đơn giản, toàn những thứ sẵn có của đồng quê Việt Nam gồm: gừng, riềng, chanh, quả chay, khế chua… Loại cá được chọn để kho là cá trắm đen, to. Cá làm sạch vảy sau đó cắt khúc. Gừng, riềng thì giã nhỏ, khế, chay thái miếng. Nồi để kho cá tốt nhất là nồi đất vì nó giữ được vị thơm của cá. Ông Trần Bá Toản, Chủ Cơ sở cá kho Toản Hương, cho biết:
(Băng) Nồi cá kho ngon thì đầu tiên phải dựa vào kinh nghiệm làm nghề của người kho cá. Thứ hai là những nguyên liệu để kho cá, chúng tôi phải chọn được những con cá không nuôi thức ăn công nghiệp, cá to và còn sống. Đặc biệt khi làm cá, cá sau khi đánh vẩy, rửa xong, thì chúng tôi mới mổ cá và từ đó không để cá tiếp xúc với nước và rửa cá lúc đó mất vị ngọt của cá. Ngoài ra, toàn bộ nguyên liệu như hành, riềng, ớt, cốt chanh… đều phải lựa chọn cẩn thận. Ngoài ra mỗi nồi to nhỏ có một công thức gia vị riêng và mỗi vùng miền có khẩu vị riêng nên nếu bán cho khách hàng ở miền Nam thì chúng tôi làm ngọt hơn; khách miền Trung thì cay hơn.
Khi kho cá, người dân Nhân Hậu lót một lớp riềng và gừng ở bên dưới, cho thêm ớt sả. Sau đó xếp cá vào nồi rồi lại cho thêm gừng, riềng ở bên trên. Có thể cho thêm sườn lợn hoặc thịt mỡ lên trên tạo cho cá có vị béo ngậy. Để cho cá ngon thì người dân Nhân Hậu kho bằng bếp củi và phải dung loại củi cây nhãn. Ông Trần Xuân Thực cho biết:
(Băng) Kho cá phải bằng gỗ nhãn vì khói của gỗ nhãn bay lên không có mùi, gỗ nhãn than đượm và khi đun xong thì than vẫn đượm và chúng tôi chỉnh nhiệt độ dễ hơn.
Ngày thường thì kho cá mất khoảng 13- 15 tiếng nhưng ngày Tết thì kho cá là cả một quá trình công phu, thường mất khoảng 16 – 17 tiếng. Đun đến khi nồi cá còn khoảng một thìa nước thì bắc khỏi bếp. Về bí quyết kho cá, ông Trần Bà Toản chia sẻ:
(Băng) Một trong những kỹ thuật để có nồi cá ngon đó là lúc bắc nồi lên bếp, phải đun lửa to để sôi nhanh nhất. Khi sôi rồi thì dập lửa và chỉ để than cho đủ nhiệt sôi nồi cá. Một trong những đặc trưng của nồi cá kho Nhân Hậu là nồi cá đã cháy xem là không sử dụng được. Trong suốt 12 tiếng đun cá không để lửa bùng lên khi nồi cá đã sôi.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người dân làng Nhân Hậu lại tất bật kho cá để kịp xuất bán đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như phục vụ bà con kiều bào về quê ăn Tết có nhu cầu mua cá mang đi nước ngoài. Tại cơ sở kho cá Toản Hương của ông Trần Bá Toản, những ngày nay đang tích cực chuẩn bị nguyên liệu để nấu hơn 1.500 niêu cá cho khách hàng. Ông Trần Bá Toản cho biết doanh nghiệp đã tìm, đặt cá trắm đen và các loại gia vị từ đầu năm. Riêng nồi đất, đích thân ông phải vào tận tỉnh Nghệ An để chọn mua bởi nồi đất ở đây chịu nhiệt tốt và có độ dày vừa phải, rất phù hợp để kho cá.
(Băng) Do kho cá bằng gỗ nhãn nên toàn bộ số củi được doanh nghiệp chúng tôi xếp sẵn trong kho, vì loại củi này phải bổ trước để gỗ khô và dễ cháy, như vậy Tết mới có củi để đun cá. Năm nay chúng tôi chuẩn bị 30 tấn củi. Nếu củi không khô sẽ khói và cá kho không ngon.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp và hộ dân làm cá kho đã đã áp dụng công nghệ đóng gói sản phẩm bằng phương pháp hút chân không nên cá để được lâu hơn mà vẫn giữ nguyên được hương vị, độ tươi ngon. Việt Nam có câu tục ngữ: “Miếng ngon nhớ lâu” và nếu một lần được nếm món cá kho Nhân Hậu chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được vị thơm của cá, ngậy của thị mỡ cùng các loại gia vị quện vào nhau để tạo nên một mùi vị đặc trưng của vùng đất này./.
CHUYÊN MỤC 5
Sắc lụa Nha Xá
Thời lượng phát sóng: 5 phút
Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 50km, làng dệt lụa Nha Xá nằm bên bờ sông Hồng, ngay dưới chân cầu Yên Lệnh, thuộc xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trải suốt chiều dài lịch sử 700 năm, làng nghề lụa Nha Xá vẫn duy trì làng nghề để các lái buôn và du khách thập phương say đắm sự mềm mại quyến rũ mà ghé chân lại khi đi qua nơi này.
----------------------------
Căn cứ sử sách, các thần tích, sắc phong được lưu giữ tại đình làng Nha Xá, các di tích, dấu tích khảo cổ và truyền thuyết tại địa phương, thời gian hình thành làng nghề dệt lụa Nha Xá được xác định vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Nhân dân nơi đây thờ danh tướng Trần Khánh Dư là ông tổ truyền nghề. Theo truyền thuyết, sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược thắng lợi, danh tướng Trần Khánh Dư đã đưa dân từ Vân Đồn (Quảng Ninh) về khai hoang lập ấp tại thôn Dưỡng Hòa, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên (nay là phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên), sau đó ông về thôn Nha Xá cho dựng chùa và tu ở đấy. Ngoài việc tu hành, Trần Khánh Dư còn dạy dân địa phương nghề ươm cá bột và ươm tơ dệt lụa. Khi đó, hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng dâng lên, trứng cá, cá con từ trên nguồn theo dòng nước tràn vào các lạch, Trần Khánh Dư đã hướng dẫn mọi người vớt trứng, cá con đem về ươm ở các ao nhỏ trong làng. Để lấy được trứng, cá con từ sông Hồng lên phải có vợt để xúc. Do vậy cùng với nghề ươm cá bột, nghề ươm tơ, dệt lụa ra đời phục vụ nhu cầu lúc đó là dệt săm - nguyên liệu để may vợt xúc cá. Sau đó dần phát triển lên nghề dệt lụa.
Ông Phạm Văn Thực, Chủ cơ sở Thực Liên, chia sẻ: Câu “Lụa Nha Xá, cá sông Lảnh” được lưu truyền khắp nơi, bởi sản phẩm lụa ở đây đẹp mịn màng và bền nổi tiếng. Còn sông Lảnh - đoạn sông Hồng chảy qua địa phương, xưa kia vốn rất nhiều cá béo và ngon. Quy trình kỹ thuật của nghề dệt lụa Nha Xá trước đây trải qua các bước từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ 6 sợi tơ nguyên liệu, người thợ quay tơ để tạo thành một sợi tơ dệt bền chắc. Và để dệt được một khổ vải 90cm phải luồn tới 2.800 sợi tơ dọc. Chỉ điều đó thôi đã đủ thấy việc dệt lụa cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn đến nhường nào. Quanh năm suốt tháng, dù mưa hay nắng, những người thợ vẫn miệt mài dệt lụa đưa danh tiếng của Nha Xá đến muôn nơi.
Hiện Nha Xá có hơn 90% hộ dân tham gia dệt, vận hành gần hàng trăm máy dệt. Nhiều gia đình đông lao động, tổ chức sản xuất hợp lý có tới 4 - 5 máy dệt trong nhà chạy suốt ngày đêm. Những gia đình này thường khép kín các công đoạn sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Những xưởng lớn có hàng chục máy dệt, những máy dệt lớn chuyên dệt những sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho các thị trường cao cấp trong và ngoài nước là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan... Chị Mai Lan, Chủ cửa hàng thêu tay Tú Thị ở 23 Hàng Thùng, Hà Nội, chia sẻ: Khách hàng rất ưa chuộng lụa Nha Xá bởi vải lụa tơ tằm tự nhiên, khi mặc vào sẽ cảm thấy thực sự thoải mái và không hề bị bết dính ngay cả khi cơ thể ra nhiều mồ hôi. Cửa hàng thường dùng lụa hoa để may áo sơ mi cách điệu, jumpsuit (áo liền quần) cá tính hay những bộ váy liền, váy rời bay bổng. Những tấm vải lụa hoa Nha Xá với màu sắc đa dạng, hoa văn trang nhã chính là loại vải hoàn hảo cho người mắc. Đặc biệt, cùng làm từ sợi tơ tằm nên lụa hoa cũng sở hữu khả năng co giãn tốt, mềm mịn và mỏng nhẹ và bề mặt vải nhẵn bóng, ít bị nhăn và dễ dàng được làm sạch.
Hiện nay, nghề dệt lụa Nha Xá đã cải tiến một số các công đoạn kỹ thuật nên công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đã không còn. Nghề dệt lụa ở Nha Xá ngày nay nhập nguyên liệu từ nơi khác, chuyên tâm dệt lụa. Làng lụa vì thế có nhiều mặt hàng mới ra đời như: lụa, đũi, tơ xe, lụa hoa, lanh… với chất lượng, mẫu mã sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều đặc biệt của lụa Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu từ thiên nhiên như củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không... để nhuộm lụa tơ tằm. Chính vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá có những nét đặc trưng riêng với sự mộc mạc, trang nhã về màu sắc và bền đẹp với thời gian.
Bên cạnh việc sử dụng vải lụa hoa để may quần áo thì Hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Hải tại thôn Nha Xá, đã sáng tạo trong việc sử dụng vải lụa hoa để làm đèn lồng nhằm nâng tầm giá trị cho mỗi chiếc đèn lồng được sản xuất ra. Vải lụa hoa tơ tằm được những người thợ thủ công của xưởng thực hiện qua các công đoạn công phu bằng tay hoàn toàn nên vẫn giữ được độ tinh xảo và mềm mại. Hay ông Hộ kinh doanh Phạm Văn Thực dung lụa để làm Khăn đũi tơ tằm cao cấp. Những chiếc khăn lụa đũi tơ tằm được dệt bởi những sợi dọc là sợi tơ mảnh và sợi ngang là sợi đũi, tạo cho khăn độ mềm và độ xốp đặc trưng. Quan trọng, sợi đũi là sợi được nhả từ tằm ăn dâu chứ không phải ăn sắn như thông thường. Cũng do làm thủ công bằng tay nên dọc theo các sợi sẽ có những lằn tơ làm cho sợi không đều nhau nên khi chạm vào sản phẩm sẽ có cảm giác rất mềm mại, đặc trưng của lụa Nha Xá.
Ngày nay, làng lụa Nha Xá đã biến tấu trở nên vô cùng đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau. Hình dạng hoa văn trên lụa đã được thể hiện dưới đôi tay điêu luyện và óc nhìn tinh tế, sáng tạo của người nghệ nhân lụa Nha Xá. Trải qua biết bao thăng trầm, làng lụa Nha Xá hôm nay vẫn miệt mài giữ lấy cái nghề truyền thống quý báu mà bao đời ông cha đã truyền dạy từ bao đời./.