(VOV5) - Đây là những nhà giáo, cán bộ quản lý có nhiều đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới giáo dục của thành phố Hồ Chí Minh suốt thời gian qua.
Sáng nay (19/11), Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 20 cho 40 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu của thành phố.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Lãnh đạo và nhân dân thành phồ Hồ Chí Minh đặt trọn niềm tin vào đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục – đào tạo thành phố. Với truyền thống tích cực đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, các thầy cô sẽ tiếp tục cống hiến, đào tạo những công dân trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt”.
Cùng ngày, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 40 năm Đào tạo Sau đại học.
Dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định quá trình phát triển của trường Đại học Kinh tế Quốc dân hơn 60 năm qua và 40 năm triển khai Đào tạo Sau đại học đã góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đóng góp cho việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam – Lào – Campuchia, là cầu nối với giới khoa học, sư phạm trên toàn thế giới.
Về đào tạo sau Đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề chất lượng đào tạo là quan trọng hơn cả. Tiến sĩ là học vị cao nhất của những người làm khoa học, vì vậy phải đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, đảm bảo tiệm cận nhanh với các tiêu chuẩn của thế giới. Việc đào tạo Tiến sĩ cần phải thực hiện đảm bảo hai yếu tố chất lượng và đạo đức. Phó Thủ tướng hy vọng trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ hình thành một diện mạo hoàn toàn mới bằng một mô hình quản trị đại học hiện đại; tiên phong trong quản lý đào tạo và thực hiện cơ chế tự chủ, tự trị đại học phù hợp với sự phát triển trên thế giới.
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tối 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình "Thay lời tri ân” nhằm tôn vinh các cô giáo với những đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Tôi cảm phục tấm lòng của các thầy cô vùng sâu, vùng xa không quản ngại khó khăn hy sinh cho sự nghiệp trồng người. Tôi cũng ghi nhận những nhà giáo nhà quản lý không ngừng học hỏi, đổi mới sáng tạo, mạnh dạn áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy, quản lý. Đây chính là nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện ngành dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đưa giáo dục Việt Nam gần hơn với giáo dục các nước trên thế giới. Tôi mong rằng mỗi cô giáo, thầy giáo, nhà quản lý sẽ thấm nhuần nhiệm vụ đổi mới, bởi chính các thầy cô sẽ là nhân tố quyết định tới sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam".
Cùng ngày, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Dịp này, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng Đại học Thủ Dầu Một, cho biết theo kế hoạch của nhà trường, mục tiêu năm 2018 một số ngành của Trường sẽ đạt chuẩn AUN (mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á) và năm 2020 là Trường đạt chuẩn AUN.
Hoạt động kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt nam, tri ân các thầy, cô giáo trong sự nghiệp giáo dục còn diễn ra tại các tỉnh, thành như: Điện Biên, An Giang, Khánh Hòa…