Lớp học mang niềm vui cho bệnh nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh

(VOV5) - Hằng ngày, lớp học tiếng Anh ở Khoa Thận nội tiết – Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, thường vang lên những âm thanh trong trẻo, rộn ràng.

Nhằm giúp cho các bệnh nhi trong thời gian điều trị tại bệnh viện thêm mạnh mẽ, vui vẻ, không buồn chán vì xa trường, lớp, bạn bè... nhiều bệnh viện nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập những “Lớp học vui vẻ” giúp các em nhỏ được học tập kiến thức và kỹ năng sống.

Lớp học mang niềm vui cho bệnh nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 1Bé Nguyễn Hoàng Bảo, 9 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng hăng say đối thoại tiếng Anh với cô giáo tình nguyện viên. Ảnh: Như Thiện
Hằng ngày, lớp học tiếng Anh ở Khoa Thận nội tiết – Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, thường vang lên những âm thanh trong trẻo, rộn ràng. Lớp có 3 cô giáo, vừa giảng dạy, vừa theo dõi và chỉ dẫn cho các bé đối thoại, viết chữ. Dù trên tay các bệnh nhi vẫn còn nguyên kim để truyền thuốc, nhưng các bé không mảy may quan tâm mà chỉ chăm chú nghe bài giảng, rồi quay sang trò chuyện, giao tiếp với bạn và cô giáo. Bé Nguyễn Hoàng Bảo, 9 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng, nhập viện ở Thành phố Hồ Chí Minh khi chưa kết thúc năm học. Bảo hăng say học, đọc to những gì cô giáo dạy. Nhờ có lớp học mà Bảo đỡ nhớ trường, nhớ bạn: “Con học trong lớp này rất vui, con thấy thoải mái. Các bạn thì vui vẻ, cùng nhau học và chơi, cùng làm việc. Con vào lớp này thì quen biết thêm được nhiều bạn hơn”.

Chị Đinh Thị Út Bảy, ngụ tỉnh Bạc Liêu, đang chăm sóc con ở khoa Tiêu hóa, cho biết con chị bị bệnh mãn tính đường ruột, thường xuyên đến điều trị tại đây. Mỗi đợt điều trị kéo dài có khi đến hàng tháng nên việc đến trường của bé đứt quãng. Dù 10 tuổi, bé mới chỉ học đến lớp 2. Bé cũng chậm phát triển và ít hòa đồng khiến chị Bảy luôn lo lắng. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, khi tham gia các “Lớp học vui vẻ” từ thứ 2 đến thứ 6 ngay tại bệnh viện, bé Trí, con chị, trở nên vui vẻ, rộn ràng hơn: “Hôm bé Trí lên lớp học là nhảy múa luôn. Mà trước đây bé nhát lắm chẳng bao giờ tham gia hoạt động gì. Thấy con mình được như vậy thực sự em vui mừng lắm. Con em thích lắm, chỉ chờ lên lớp học. Giờ em không cần phải chạy theo trông bé nữa, cứ nghe các cô thông báo là bé tự chạy lên lớp học xong rồi tự về phòng bệnh”.

Theo ông Chu Văn Thành, Phó Trưởng phòng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, trước đây, Phòng tổ chức các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nhưng sau này có thêm nhiệm vụ chăm lo tinh thần cho bệnh nhi, như: tổ chức sinh nhật, vui chơi dịp lễ, Tết... và đặc biệt là mở “Lớp học vui vẻ”. Nhờ đó mà thời gian trẻ ở bệnh viện có cảm giác thoải mái hơn. Lớp học dạy xen kẽ văn hóa và kỹ năng sống. Ban đầu, khi mới thành lập, đứng lớp chỉ là các nhân viên Phòng Công tác xã hội, đến nay đã có nhiều người là giáo viên ngoại ngữ tham gia thiện nguyện dạy cho trẻ. Bên cạnh đó, một số trung tâm chuyên về đào tạo giá trị sống cũng biết đến và giới thiệu tình nguyện viên đến đây để thực hiện các buổi đào tạo kĩ năng sống cho trẻ. Nhờ vậy, bệnh nhi được tham gia vào những bài học cụ thể, chi tiết và có tính thực tế cao hơn. Ông Chu Văn Thành cho biết: “Hiện tại, đang có nhiều khoa đăng ký để mở lớp cho các bé, phòng đang xem xét để khoa nào có không gian, còn có lứa tuổi phù hợp nữa. Hiện các khoa thực hiện Lớp học vui vẻ thì cũng đã mời các bé ở những khoa lân cận cùng lên tham gia. Còn mở rộng thì cần phải tìm nguồn, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để mua sắm trang thiết bị học cho trẻ”.

Lớp học mang niềm vui cho bệnh nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 2Dù đang đeo kim truyền nhưng các bệnh nhi vẫn chăm chú tham gia lớp học. Ảnh: Như Thiện

Trong khi đó, lớp học tại Khoa ung bướu Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi buổi học đón từ 20 - 25 bé đến lớp mỗi ngày. Tính đến nay, “Lớp học vui vẻ” ở khoa đã duy trì được 8 năm, do Câu lạc bộ Nét chữ xinh phối hợp với bệnh viện tổ chức. Các bé ở lứa tuổi khác nhau được học những môn học khác nhau, những kiến thức khác nhau trong cùng một thời điểm. Các bạn nhỏ hơn thì tập tô màu và nhận biết màu sắc, hình dáng, đồ vật, con vật… Các bé lớn hơn được day nhận biết chữ cái và con số để có thể chuẩn bị đi học. Ngoài việc học, các bệnh nhi còn được hỗ trợ phát triển kỹ năng, được vui chơi, học các môn nghệ thuật vẽ, đàn, hát. Theo chị Lê Thị Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nét chữ xinh, lớp học không chỉ là điểm tựa tinh thần cho các bệnh nhi, mà ngược lại, chính các em lại là nguồn năng lượng, là nguồn cảm xúc để chị Mai và các tình nguyện viên cảm nhận về cuộc sống tốt đẹp hơn: “Những câu trả lời của các con luôn là những ký ức mà mình không thể quên. Qua đó, mình sẽ nhớ từng cử chỉ, ánh mắt, gương mặt của các con. Các con như những bức tranh do mình chỉ dạy đã đem lại những giá trị. Từ những việc nhỏ như vậy mà dần dần chúng tôi luôn cố gắng làm tốt hơn việc của mình từng giây từng phút, kể cả sau này”.

Sắp tới, Câu lạc bộ Nét chữ xinh sẽ ra mắt “Dự án Tương lai xanh”, dành cho các bệnh nhi ung thư đã trưởng thành, sau điều trị và trên 15 tuổi, để giúp các bé có cơ hội trải nghiệm công việc mình hằng mơ ước. Ở đó, sau khi trải nghiệm các bé sẽ nhận ra mình thích, phù hợp với công việc gì để hoà nhập, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác