Người trẻ sáng tạo để gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

(VOV5) - Với thế mạnh về công nghệ, giới trẻ ngày nay đang cùng nhau mang lại cho những giá trị xưa cũ 1 hình hài mới.

Hôm nay là ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng với hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu trữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có gần 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia vào việc phục dựng, số hóa di sản, di tích, từ đó, góp phần gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa Việt.

Người trẻ sáng tạo để gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc - ảnh 1Phòng trưng bày tương tác ảo 3D giới thiệu những thành tựu phát triển rực rỡ của nước Đại Việt thế kỷ 13 - 14 trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo,... tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Ảnh chụp màn hình: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Là 1 trong số những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam áp dụng số hóa trong các hoạt động trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã kết hợp cùng các kỹ sư trẻ của Công ty Vietsoft pro giới thiệu đến công chúng những ứng dụng công nghệ, gồm: trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”, Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online), Giờ học lịch sử online. Tham gia quá trình số hóa Bảo tàng, kiến trúc sư Trọng Bằng cho rằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến đã giúp khách tham quan Bảo tàng có trải nghiệm trọn vẹn hơn. Theo kiến trúc sư Trọng Bằng: "Thay vì đọc các chú thích hiện vật thông thường, khách tham quan có thể sử dụng điện thoại thông minh và quét mã QR, qua đó, khai thác thêm thông tin, số liệu, nghe thuyết minh tự động hoặc tương tác với hiện vật 3D, đặc biệt là phần nội dung và hình thức được cập nhật liên tục, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian".

Không chỉ được tham quan các không gian trưng bày sống động của Bảo tàng 3D, công chúng còn được chiêm ngưỡng gần hơn với 20 bảo vật Quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng ở địa chỉ: Baovatquocgia.baotangso.com. Tại đây, các bảo vật được số hóa và đưa lên nền tảng số với những thông tin đầy đủ, chi tiết cùng phần thuyết minh, giới thiệu để mọi đối tượng đều có thể tiếp cận.

Những không gian di tích lịch sử, bảo vật, hiện vật được phục dựng lại bằng những công nghệ tiên tiến nhất đã làm sống lại di sản và công nghệ khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn với công chúng, mang lại cái nhìn sống động về di sản, về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ ngày nay. Cùng với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thời gian qua, nhất là giai đoạn trong và sau đại dịch COVID-19, rất nhiều những bảo tàng khác cũng từng bước đẩy mạnh số hóa, dùng công nghệ thay đổi cách trưng bày...

Việc số hóa, bảo tồn di sản chính là giữ gìn cho mai sau. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: "Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của các bạn trẻ trong các dự án số hóa di sản. Chúng ta đang sống trong thế giới số. Các nỗ lực này đã giúp tạo ra sức sống mới cho di sản văn hóa khiến cho di sản văn hóa trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn và có chỗ đứng vững chắc hơn trong bối cảnh xã hội hiện nay. Từ đó, chúng ta có thể khai thác được rất nhiều những lợi thế từ di sản được số hóa này".

Người trẻ sáng tạo để gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc - ảnh 2Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Ảnh: VOV

Với thế mạnh về công nghệ, giới trẻ ngày nay đang cùng nhau mang lại cho những giá trị xưa cũ 1 hình hài mới giúp cho văn hóa dân gian thể hiện giá trị không thể thiếu trong dòng chảy đương đại. Ông Bùi Hoài Sơn nhìn nhận: "Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, những người trẻ đã và đang làm rất tốt việc lưu giữ, bảo tồn cũng như quảng bá di sản dân tộc bằng công nghệ số. Tư liệu số giúp việc lưu trữ thuận lợi, lâu dài hơn, lưu trữ tốt hơn. Chúng ta có thể biến dữ liệu số hóa này trở nên hấp dẫn hơn. Tôi tin rằng từ sự hào hứng, các bạn trẻ có thêm quyết tâm trong việc bảo vệ di sản văn hóa và tôi cũng thấy được rằng từ ưu điểm đó có thể tạo ra được những sản phẩm mới từ những thành tựu khoa học công nghệ".

Không chỉ số hóa di sản, với sức sáng tạo và tình yêu đối với di sản dân tộc, người trẻ ngày nay đã có nhiều cách làm mới lạ, độc đáo khi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhiều nhóm vẽ, thiết kế và phục dựng cổ phục; nhóm bảo tồn âm nhạc dân tộc; nhóm kể chuyện lịch sử... đã ra đời, có thể kể đến, như: Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Ỷ Vân Hiên, Đình làng Việt, Chèo 48 giờ… Những hội nhóm này thu hút đông đảo thành viên tham gia tìm hiểu, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khơi gợi tình yêu đối với những di sản của tiền nhân.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Ỷ Vân Hiên, đơn vị phỏng dựng cổ phục Việt, cho biết: "Những họa tiết thời xưa được dệt rất cầu kỳ, ví dụ như bộ mãng bào, long bào là những triều phục thời Nguyễn thì những hoa văn được dệt rất tinh xảo, bây giờ để làm lại rất khó, nếu có thì thời gian và tiền bạc lại quá lớn mà hiệu quả ứng dụng và hiệu quả thị trường lại chưa cao. Chính vì thế, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ in hiện đại trong thiết kế cổ phục để làm cho phần hình ảnh sản phẩm vẫn giữ được phom dáng, bố cục họa tiết, hoa văn vẫn chuẩn".

Tuổi trẻ, sức sáng tạo, kiến thức về công nghệ và tình yêu với văn hóa dân tộc chính là những yếu tố quan trọng để những người Việt trẻ vượt qua những thách thức trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác