Ông Lâm Se - Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Sóc Trăng

(VOV5) - Hiện tại, từ các dịch vụ nông nghiệp, gia đình ông Lâm Se tạo việc làm cho 20 người dân địa phương. 

Ông Lâm Se, người dân tộc Khmer, 64 tuổi, sống ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, là nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tay trắng đi lên, nhờ cần cù, chịu khó, năng động, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường nên mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp của gia đình ông mỗi năm thu lời được khoảng 1 tỷ đồng (hơn 41.000 USD).

Gia đình ông Lâm Se sinh sống ở phường 5, thành phố Sóc Trăng. Ngôi nhà của gia đình ông khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Ngay gần nhà của ông là các kho rộng 2000 m2, để chứa rơm, máy móc sản xuất nông nghiệp. Có được cuộc sống khá giả, sung túc là nhờ cả hai vợ chồng tần tảo lao động, bươn chải làm ăn, năng động, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề nông nghiệp.
Ông Lâm Se - Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Sóc Trăng - ảnh 1Ông Lâm Se đang lao động trong kho rơm. 

Ông Lâm Se bộc bạch: "Tôi có 3 nghề: làm ruộng, làm dịch vụ máy cày, máy gặt đập lúa liên hợp, làm dịch vụ cuộn rơm, mua rơm của bà con cuộn lại bán lại cho thương lái các tỉnh bạn.

Hiện nay, gia đình tôi có 8 ha ruộng. Nếu thời tiết thuận lợi, làm được 3 vụ lúa thì lợi nhuận thu được 300 triệu đồng/năm (gần 12.400 USD/năm). Nếu thời tiết không thuận lợi, làm được 2 vụ thì thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Về máy gặt đập liên hợp, tôi có 2 máy, mỗi máy có thể làm được 1000 công lúa (1 ha lúa), 2 máy là 2000 công lúa (2 ha lúa). Giá dịch vụ 220.000 đồng/công nếu trừ chi phí xăng dầu, nhân công… lãi 100 ngàn đồng/công. Tôi là nông dân ban đầu tay trắng, giờ có 3 nghề, tổng cộng tôi kiếm được tiền lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm (hơn 41.000 USD/năm)."

Ông Lâm Se - Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Sóc Trăng - ảnh 2Máy sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Lâm Se. Ảnh Ngọc Anh

Lập gia đình năm 1987, khi đó vợ chồng ông Lâm Se còn rất khó khăn, nên ngoài làm ruộng trồng lúa, ông Lâm Se còn phải chạy “xe ôm” để có tiền trang trải cuộc sống. Xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống vất vả, khó khăn, nên ông Lâm Se luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Ông tự mày mò, tham khảo, học hỏi được các mô hình sản xuất kinh doanh ở các địa phương khác và áp dụng phù hợp với địa phương mình, hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh cho gia đình.

Bước ngoặt giúp gia đình ông Lâm Se phát triển kinh tế nhanh chóng là từ nghề cuộn rơm, bởi nghề này hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận tới 50%. Năm 2017, ông gặp thương lái người tỉnh Trà Vinh đến tỉnh Sóc Trăng thu mua rơm. Thương lái cho biết họ thu mua không giới hạn để làm nguyên liệu trồng nấm, thức ăn cho gia súc và ủ bón cho cây. Ông tìm đến một doanh nghiệp ở tỉnh Trà Vinh để học hỏi kinh nghiệm và quyết định khởi nghiệp với nghề cuộn rơm.

Ông Lâm Se - Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở tỉnh Sóc Trăng - ảnh 3Bằng khen Thủ tướng Chính phủ tặng ông Lâm Se. 

Ông Lâm Se mạnh dạn vay 300 triệu đồng (gần 12.400 USD) vốn ưu đãi, đầu tư mua 1 máy cuộn rơm. Đây cũng là chiếc máy cuộn rơm đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, ông vận động người dân sau khi thu hoạch lúa, không đốt rơm mà bán lại cho ông vừa không bị ô nhiễm môi trường, lại vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Ông Lâm Se cho biết: "Gia đình tôi đến nay có 6 cái máy cuộn rơm, giá 300 triệu đồng/máy (gần 12.400 USD/máy). Bình quân 1 ngày thu gom được khoảng 500 cuộn rơm/máy, như vậy 6 máy làm được khoảng 3.000 cuộn rơm/ngày. Khi làm mô hình này, tôi thấy lợi nhuận cao, lãi được 50%. Giá bán 25.000 đồng/cuộn rơm (gần 1 USD/cuộn rơm) thì lãi 1 nửa. Các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp… tới vụ thu hoạch lúa thì họ xuống tôi mua rơm, đặt hàng, mình cứ gom rơm bán cho họ. Hàng làm không đủ bán. Rơm họ mang về để làm nấm, thức ăn cho bò, ủ làm phân bón cây. Nghề cuộn rơm ở đây cũng có 1 hộ làm nhưng chỉ có 1, 2 máy thôi chứ không làm lớn như tôi."

Hiện tại, từ các dịch vụ nông nghiệp, gia đình ông Lâm Se tạo việc làm cho 20 người dân địa phương. Mỗi người có thu nhập ổn định, trên dưới 10 triệu đồng/tháng (hơn 410 USD/tháng). Anh Sơn Lợi, người làm công cho gia đình ông Lâm Se, cho biết: "Tôi làm ở đây được 4 năm rồi. Làm cuộn rơm mỗi ngày. Xuống ruộng nhặt rơm lên đưa vào máy. 1 máy cuộn rơm có 2 người làm, 1 người chạy máy, 1 người xếp rơm. Công việc đều, tháng nghỉ có 2 ngày. Làm cho ông Lâm Se, tôi thấy ông cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn, thương người."

Vợ chồng ông Lâm Se chăm chỉ làm ăn, tích lũy vốn, mở rộng quy mô sản xuất. Ông dự tính sẽ mở thêm dịch vụ cho thuê xe. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội ở địa phương, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con. Trước đây, dịch COVID-19 phức tạp, bà con phải cách ly, ông giúp 20 hộ, mỗi gia đình 20 kg gạo/tháng, người nào không may mất vì dịch bệnh, ông hỗ trợ ma chay chu đáo.

Anh Phương Trung, một người dân ở gần nhà ông Lâm Se, cho biết: "Ông ủng hộ người nghèo tiền, gạo, giúp người nghèo, người già. Tôi rất quý mến ông. Hàng xóm, láng giềng rất quý mến ông. Ông là tấm gương điển hình về làm kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ông chịu khó, thật thà, chăm chỉ. Ông biết làm nhiều nghề lắm, làm ruộng, làm rơm, máy gặt lúa, cày đất.

Nhiều năm qua, ông Lâm Se được công nhận là nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi cấp tỉnh. Ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.      

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác