(VOV5) - Dự án góp phần quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ, nhóm phụ nữ
49 hợp tác xã, tổ, nhóm do phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý và các nhà hoạch định, quản lý chính sách các cấp tham dự “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế, thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0”, diễn ra sáng 17/12, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số là cách làm phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ, nhằm đạt mục tiêu tạo cơ hội cho người nghèo, người dân tộc phụ nữ nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Hiện thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần.
Phiên chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0 của các tổ nhóm đối tác tại Diễn đàn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Nắm bắt thời cơ, năm 2019, Chương trình phát triển liên hợp quốc đã triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho hai tỉnh Đắc Nông và Bắc Kạn thực hiện Dự án “Hỗ trợ phụ nữ Dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, góp phần quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ, nhóm phụ nữ để áp dụng công nghệ và nâng cao năng lực, phát triển các hoạt động sinh kế giảm nghèo và có khả năng áp dụng các công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường; huy động sự tham gia của các đối tác và các nguồn lực bên ngoài, tại chỗ và đem lại thu nhập cho các hộ nghèo.
Tại diễn đàn, đại diện các hợp tác xã, tổ, nhóm phụ nữ chia sẻ những kết quả, cùng những thách thức, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp tục nhân rộng mô hình “Liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản phẩm bản địa ứng dụng nền tảng thương mại điện tử”. Đây được cho là cách làm phù hợp với hộ nghèo và người dân tộc thiểu số, gắn kết với phương pháp truyền thống, văn hóa địa phương một cách hiệu quả và bền vững.