Thợ mỏ hôm nay viết tiếp truyền thống xưa

(VOV5) -  Giờ đây dưới hầm mỏ máy móc hiện đại đã thay cho những công cụ thô sơ giá đỡ kim loại thay thế những cột gỗ chống lò yếu ớt trước đây.

Ngược dòng lịch sử những năm kháng chiến chống Pháp, những người thợ mỏ ở vùng than Quảng Ninh được xem là lực lượng công nhân công nghiệp đầu tiên trong giai cấp công nhân Việt Nam.

Thợ mỏ hôm nay viết tiếp truyền thống xưa - ảnh 1Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Than Hà Lầm Vũ Đình Rạo (thứ 2, phải sang) xuống lò động viên công nhân. - Ảnh: quangninh

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Với tinh thần đoàn kết, bền bỉ và có tổ chức kỷ luật chặt chẽ, những công nhân vốn chỉ quen với lòng đất, bụi than, cuốc xẻng đã vùng lên đấu tranh, tổ chức cuộc tổng bãi công quy mô lớn vào năm 1936 buộc chính quyền thực dân và chủ mỏ phải chấp nhận thất bại, nhượng bộ những người thợ mỏ. Thắng lợi của giai cấp công nhân nói chung và của thợ mỏ vùng than Quảng Ninh nói riêng, chính là niềm tự hào, sự cổ vũ lớn lao đối với nhiều thế hệ công nhân mỏ.

Và tiếp nối truyền thống ấy, những người thợ mỏ hôm nay vẫn luôn giữ vững tinh thần lao động “Kỷ luật và đồng tâm”, có nhiều sáng tạo trong lao động, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước ngày một phồn vinh.

Trong những năm tháng chiến tranh, với nhiều khẩu hiệu như: “Trận địa là nhà, Vùng mỏ là quê hương”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, công nhân vùng mỏ Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”; các chiến dịch “Sản xuất than chống Mỹ, cứu nước”, góp phần to lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc. Dưới mưa bom, bão đạn, hàng ngàn công nhân vẫn vừa chắc tay súng, vừa lao động sản xuất. Khi đất nước còn khó khăn, trong điều kiện công nghệ lạc hậu, thợ mỏ phải mò mẫm, tự tay lên rừng chặt gỗ chống lò và khai thác. Ngày ấy, sản lượng khai thác than rất thấp, không đáng kể, do thợ mỏ chủ yếu làm việc thủ công, “xúc bằng tay, quay bằng sườn”. Cuộc sống của thợ mỏ cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn vất vả. Vượt qua những khó khăn, thách thức của thời cuộc, bước vào những năm đất nước đổi mới, nghề khai thác mỏ đã có những sự biến chuyển và phát triển mạnh mẽ.

Thợ mỏ hôm nay viết tiếp truyền thống xưa - ảnh 2Thợ mỏ Hà Lầm hiện khai thác than với trang thiết bị công nghệ hiện đại. - Ảnh: quangninh

Giờ đây dưới hầm mỏ máy móc hiện đại đã thay cho những công cụ thô sơ, giá đỡ kim loại thay thế những cột gỗ chống lò yếu ớt trước đây, và người thợ mỏ ngày nay đã không còn chỉ là những lao động phổ thông. Họ là những công nhân có tay nghề, trình độ, được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục chuyên ngành, có khả năng thích nghi nhanh với công nghệ sản xuất mới, luôn sáng tạo trong lao động, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên.

Anh Nguyễn Trọng Thái, Tổ trưởng sản xuất, Công ty Cổ phần than Hà Lầm thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), chia sẻ được truyền lửa yêu nghề từ lớp người đi trước, anh cùng những đồng nghiệp đã có hàng trăm sáng kiến được áp dụng thành công vào thực tế, góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ tai nạn và sự cố trong khai thác và đào lò: “Mục tiêu đầu tiên chúng tôi xây dựng phong trào thi đua và các sáng kiến là để giảm tiêu tốn sức khỏe cho bản thân chúng tôi, đảm bảo an toàn, công việc nhanh nhất, sản phẩm nhiều nhất. Vai trò của mình là động viên để đồng đội của mình hiểu, là người trực tiếp hướng dẫn thi đua cùng với mình”.

Với mục tiêu trí thức hoá công nhân, xây dựng một lực lượng thợ mỏ vững mạnh, những người thợ mỏ hiện nay các trường dạy nghề, các công ty trong Tập đoàn đang tích cực chăm lo công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức kỷ luật, xây dựng tác phong công nghiệp, làm việc đúng quy trình kỹ thuật... Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những thợ mỏ tương lai sau khi ra trường.

Kỹ sư Phạm Minh Tú, Trưởng khoa hầm lò, trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất cũng như những máy móc tương ứng để các em học viên được luyện tập giống với môi trường lò thực tế. Một số công nghệ mới đang được triển khai trong các hầm lò cũng được chúng tôi đưa vào giảng dạy như khoan neo, máy xúc…”.

Giờ đây, không còn nữa hình ảnh người thợ lầm lũi, đen đúa mà họ đã ngẩng cao đầu với sức khoẻ tốt, tri thức tốt, tự tin khi thao tác với những công nghệ máy móc hiện đại. Học viên Nguyễn Minh Bắc, lớp sơ cấp nghề, trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, chia sẻ: “Tôi thích nhất là khi được đi thực tế với các máy móc, học viên được đi vào trong lò để học tập. Những máy móc được học trong trường đều được trang bị hiện đại nên khi đi thực hành tại mỏ cảm thấy rất thích”.

Luôn giữ vững tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” kế thừa từ cuộc tổng bãi công năm 1936, trải qua nhiều năm, lớp lớp thế hệ thợ mỏ vẫn luôn hăng hái thi đua lao động sản xuất. Tinh thần ấy đã được những thợ mỏ ngày nay phát triển thành phương châm hành động “Trí tuệ, trung thành, kỷ luật, đồng tâm”, khơi dậy được sự sáng tạo, ý thức trách nhiệm, đoàn kết hợp tác giữa những người thợ.

Giờ đây, bước chân của hàng vạn thợ mỏ ngày ngày lên tầng cao, đi sâu hơn vào lòng đất thách thức những giới hạn của con người. Bằng tinh thần làm chủ, đoàn kết, thi đua, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, xây dựng văn hóa thợ mỏ, người công nhân mỏ hôm nay đã có thể tự hào vì thực hiện được mong ước sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác