Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria”

(VOV5) - Phần Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria” gồm hơn 40 tài liệu, hiện vật liên quan đến tờ báo Le Paria và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. 
Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria”  - ảnh 1Quang cảnh tọa đàm

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (1/4/1922 - 1/4/2022), sáng 1/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp cùng Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề  “100 năm báo Le Paria (1/4/1922 - 1/4/2022)”. 

Các tham luận tại tọa đàm tiếp tục làm rõ thêm quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài thông qua việc sử dụng báo chí là “công cụ sắc bén” của Người. Các tham luận phân tích bối cảnh xuất hiện báo Le Paria; mục đích, nội dung và tác động của báo; giá trị định hướng phát triển báo chí cách mạng.

Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria”  - ảnh 2Hiện vật tại Trưng bày

100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa của thực dân Pháp như Algieri, Tunisia, Morocco… lập Hội Liên hiệp thuộc đại và xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) tại Thủ đô Paris, Pháp. Thời kỳ hoạt động cách mạng tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của báo Le Paria. Sự ra đời của báo Le Paria góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Marx - Lenin vào các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và các nước thuộc địa của thực dân Pháp.

Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria”  - ảnh 3Hiện vật tại Trưng bày

Phần Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria” gồm hơn 40 tài liệu, hiện vật liên quan đến tờ báo Le Paria và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trưng bày diễn ra từ ngày 1/4 đến ngày 19/5 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác