Việt Nam bắt nhịp xu hướng đổi mới sáng tạo mở

(VOV5) - Việt Nam bước đầu đã bắt nhịp với xu hướng đổi mới sáng tạo mở, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực châu Á.

Xu hướng đổi mới sáng tạo mở ngày càng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và các tác động của dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, Việt Nam bước đầu đã bắt nhịp với xu hướng đổi mới sáng tạo mở, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực châu Á.

Việt Nam bắt nhịp xu hướng đổi mới sáng tạo mở - ảnh 1Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: vnexpress

Đổi mới sáng tạo mở giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng, cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường tăng năng xuất.

Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 có nêu một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở và mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới.

Việt Nam bắt nhịp xu hướng đổi mới sáng tạo mở - ảnh 2Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holding. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4). Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết: "Quốc tế đánh giá Việt Nam là một ngôi sao đang lên của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Nhưng quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần có nhiều cơ chế đặc thù hơn nữa. Có tiềm năng rồi nhưng cần liên kết chặt chẽ, không chỉ giữ chân tài năng trong nước mà còn hút tài năng nước ngoài đến Việt Nam để cọ sát và nâng cao năng lực các tài năng Việt Nam".

Đổi mới sáng tạo mở giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng, cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường tăng năng xuất. 

Tại Việt Nam, một số tập đoàn, doanh nghiệp đang đi theo xu hướng đổi mới sáng tạo mở, như lập ra các quỹ, các chương trình hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học và liên kết với các tổ chức để tìm kiếm công nghệ phù hợp nhất với chi phí hợp lý nhất; hay thành lập phòng nghiên cứu “mở” để mời gọi start-up đến. Thời gian qua, các start-up có nhiều sản phẩm công nghệ, các nhóm nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu sẵn sàng tham gia mạng lưới chuyên gia để giải quyết bài toán của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holding, cho rằng: "Hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp Việt Nam dù con non trẻ nhưng tương đối hoàn thiện. Có rất nhiều tổ chức như quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ trung gian, trường đại học, tổ chức… Tuy nhiên, trái tim hệ sinh thái vẫn là các tài năng, tức là các start up. Khi chúng ta có biện pháp ươm tạo, thúc đẩy các start up thì chắc chắn sẽ có hiệu quả".

Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2021 cho thấy Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đã có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với đầy đủ các thành phần. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần thêm các chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác