(VOV5) - Việc du khách chuyển từ du lịch đơn thuần sang trải nghiệm chiều sâu đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, xây dựng sản phẩm khác biệt.
Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025 đang diễn ra tại Hà Nội. Những thông tin tại Hội chợ cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Bên cạnh yếu tố thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa đậm đà, sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành du lịch để bắt nhịp xu thế toàn cầu chính là yếu tố giữ chân du khách.
Khu gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam sôi động với hàng chục ngàn sản phẩm du lịch và chương trình khuyến mãi hấp dẫn - Ảnh: VOV |
Tính đến hết quý I năm nay, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế hiện vẫn ở mức khiêm tốn, khoảng 950 USD/lượt, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Singapore.
Để giữ du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay lại Việt Nam nhiều lần, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Khách quốc tế đánh giá cao sản phẩm du lịch Việt Nam về giá cả hợp lý, đặc biệt là các tour gắn với thiên nhiên và môi trường. Việc cần làm hiện nay là tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường liên kết vùng để tạo ra những gói tour hấp dẫn và trải nghiệm tốt hơn cho du khách khi đến với Việt Nam”.
Việc du khách chuyển từ du lịch đơn thuần sang trải nghiệm chiều sâu đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, xây dựng sản phẩm khác biệt gắn với bản sắc văn hóa, thiên nhiên, con người Việt Nam. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ thị trường quốc tế bằng những chính sách thị thực, xúc tiến quảng bá hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế, cùng với đó là khuyến khích phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng…
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn ủng hộ các hiệp hội và các doanh nghiệp du lịch, đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước để đưa du lịch Việt Nam phát triển xứng tầm từ xây dựng các sản phẩm mới, nâng cao năng lực, đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường để Việt Nam phát triển cả về số lượng và chất lượng... Đây là cách để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”.
Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế (tăng 5 – 6 triệu lượt so với năm ngoái).
Từ tiềm năng sẵn có đến hành động chiến lược, du lịch Việt Nam đang nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu này.