APEC 2017 nâng tầm vị thế chính trị của Việt Nam

(VOV5) - Tổ chức Năm APEC 2017 là minh chứng sinh động cho hình ảnh một Việt Nam đổi mới, đóng góp tích cực vào xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực.

Năm APEC 2017 đang đi đến những hoạt động cuối cùng khi chỉ còn vài ngày nữa Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung xinh đẹp và giàu tiềm năng phát triển của Việt Nam. Qua 6 Hội nghị cấp SOM (quan chức cấp cao APEC), 8 Hội nghị Bộ trưởng và gần 100 Hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ diễn ra trên 10 tỉnh, thành của Việt Nam từ đầu năm đến nay, các nội dung hợp tác cụ thể đang dần được hiện thực hóa, tạo động lực và sức sống mới cho diễn đàn hợp tác hàng đầu khu vực. Tổ chức Năm APEC 2017 là minh chứng sinh động cho hình ảnh một Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực vào xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực.

APEC 2017 nâng tầm vị thế chính trị của Việt Nam - ảnh 1

Ông Nguyễn Minh Vũ, Phó trưởng Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 phát biểu tại buổi họp báo về Hội nghị lần thứ nhất các Quan chức Cao cấp APEC.

Trải qua chặng đường hình thành và phát triển gần 3 thập niên, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã ngày một khẳng định vị thế và vai trò đầu tàu khu vực trong tiến trình tăng trưởng và liên kết toàn cầu, đưa châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới.

APEC 2017 biến thách thức thành cơ hội và động lực thúc đẩy tăng trưởng

Tuy nhiên, trong một thế giới đầy biến động và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên cả 3 khía cạnh kinh tế - thương mại, xã hội - con người lẫn an ninh - chính trị. Đó là xu hướng bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng. Đó là ô nhiễm, biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cục diện chính trị - an ninh thế giới có nhiều chuyển biến sâu rộng tác động không nhỏ tới tiến trình hợp tác trong APEC.

APEC 2017 nâng tầm vị thế chính trị của Việt Nam - ảnh 2

Trưởng phái đoàn các quan chức cấp cao (SOM) APEC của Peru Raúl Salazar. (Nguồn: APEC2016) 

Với vai trò của mình, APEC có thể được coi là một trong những khuôn khổ quan trọng ở khu vực để các nền kinh tế thành viên phối hợp đối phó với các thách thức này. Vì vậy, nội dung APEC 2017 phải làm sao phản ánh ý nguyện chung của 21 nền kinh tế thành viên APEC, là trách nhiệm của nước chủ nhà Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng ban Thư ký, Ủy ban quốc gia APEC 2017, cho biết: Đến nay, chủ đề và 4 ưu tiên của Việt Nam đưa ra trong năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm ; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng ; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung chung này của Năm APEC 2017 được các thành viên APEC đánh giá rất cao bởi rất thiết thực và cụ thể.

APEC 2017 nâng tầm vị thế chính trị của Việt Nam - ảnh 3

Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao. (VOV)

Theo ông Raul Salazar, Trưởng phái đoàn các quan chức cấp cao (SOM) APEC của Peru, nước chủ nhà đăng cai APEC 2016, những nội dung của Năm APEC 2017 mà Việt Nam đưa ra đáp ứng trúng và đúng những vấn đề của bối cảnh kinh tế toàn cầu mà tất cả các nền kinh tế thành viên quan tâm, nên nhanh chóng nhận được sự đồng thuận trong APEC: Tôi nghĩ những định hướng ưu tiên lần này là rất quan trọng. Vấn đề đầu tiên là việc ứng dụng các sáng kiến và công nghệ mới. Tôi cho rằng Việt Nam lựa chọn vấn đề này là rất đúng đắn vì đó là cách chúng ta giúp xã hội phát triển theo hướng toàn diện hơn. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc Việt Nam đặt hướng ưu tiên trọng tâm vào thị trường lương thực vì điều này rất quan trọng đối với các nền kinh tế mới.

APEC 2017 nâng tầm vị thế Việt Nam

Trong gần 20 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên năng động và có trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác APEC. Lần thứ 2 vinh dự đăng cai tổ chức Diễn đàn quan trọng này, thế và lực của Việt Nam đã hoàn toàn khác.  Việt Nam đã thiết lập 13/21 khuôn khổ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các nền kinh tế thành viên APEC. 4 chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trumph tới Việt Nam nhân dịp này, được  các chuyên gia nhận định Việt Nam ngày càng được nhìn nhận là một đối tác quan trọng trong khu vực.

Ông Trần Việt Thái, Viện phó Viện chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam, cho rằng: Nhìn lại 3 đời Tổng thống Mỹ, ngay cả Tổng thống Bill Clinton, người quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thì ông cũng chỉ sang Việt Nam thăm vào cuối nhiệm kỳ. Riêng Tổng thống Donald Trumph thì ông chủ động sang thăm Việt Nam từ rất sớm. Điều này phản ánh vị thế của Việt Nam đang tăng lên và vai trò của Việt Nam với tư cách là một nước đang ngày càng phát triển, hội nhập, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ, đang ngày càng tốt lên ở khu vực cũng như trong chính sách đối ngoại và trong quan hệ với Mỹ.

Chặng đường đổi mới vừa qua, các nước thành viên APEC đã luôn đồng hành với Việt Nam. Trong giai đoạn then chốt hiện nay và sắp tới, hợp tác APEC tiếp tục là trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Đăng cai APEC 2017 nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và làm sâu sắc quan hệ toàn diện của Việt Nam với các đối tác. APEC 2017 là dịp để Việt Nam quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, hình ảnh đất nước đổi mới, năng động và giàu tiềm năng đến bạn bè quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác