(VOV5) - Việc hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn Việt Nam làm địa điểm để gặp gỡ cho thấy cả hai nước đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy, là một quốc gia có chính sách đối ngoại cân bằng, rộng mở.
Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2 hôm nay bắt đầu diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam tái khẳng định đường lối đối ngoại "đa dạng hóa, đa phương hóa", "làm bạn với tất cả". Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam phát huy tốt vai trò ngoại giao hoà giải trong tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore năm 2018. - Ảnh: AFP |
Việc hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn Việt Nam làm địa điểm để gặp gỡ cho thấy cả hai nước đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy, là một quốc gia có chính sách đối ngoại cân bằng, rộng mở. Việc Hà Nội, Việt Nam được chọn là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên cũng chứng tỏ sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào năng lực, vai trò của Việt Nam trong vấn đề an ninh và hòa bình của khu vực và thế giới.
Mẫu tem "Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội".
|
Mong muốn làm tốt vai trò ngoại giao hòa giải
Một trong những trọng tâm ưu tiên của ngoại giao Việt Nam năm 2019 cũng như thời gian tới đó là ngoại giao hòa giải. Điều này cũng được ghi nhận trong chỉ thị của Ban bí thư TƯ Đảng CSVN tháng 8/2018. Là quốc gia có kinh nghiệm hòa giải và hòa bình, thông qua Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần này, Việt Nam mong muốn phát huy tốt vai trò hòa giải qua việc đóng vai nước chủ nhà, hỗ trợ Hội nghị diễn ra thuận lợi và đạt kết quả. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nêu rõ: “Qua đó Việt Nam thế hiện là một quốc gia có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế và mong muốn đóng góp vào quá trình hòa bình và cũng thể hiện đường lối của chúng ta là nâng tầm đối ngoại đa phương trong thời gian tới, đóng vai trò hòa giải. Trong nhiều năm khi kết thúc các cuộc xung đột, Việt Nam đã đi các nơi như Geneva, Paris để lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương. Nhưng lần này một Hội nghị hòa bình lại được tổ chức ngay tại Việt Nam. Trùng hợp là năm nay đúng thời điểm 20 năm Hà nội được UNESCO trao danh hiệu thành phố Vì hòa bình”.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam cũng là quốc gia giàu kinh nghiệm trong việc sử dụng bên thứ ba trong hòa đàm kết thúc chiến tranh, đồng thời được đánh giá cao về quan điểm khách quan, nhất quán trong nhiều vấn đề quốc tế. Bản thân Việt Nam là đối tác tin cậy của các bên, đồng thời là một trong số ít các quốc gia có quan hệ tích cực với cả Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Ông Vương Tuấn Sinh, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chiến lược láng giềng và toàn cầu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: “Lần này cả thế giới hướng về Việt Nam. Có thể nói, đây là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình. Triều Tiên và Mỹ đều chọn Việt Nam không có gì là bất ngờ, bởi Việt Nam có quan hệ hữu hảo với cả Mỹ và Triều Tiên. Giữa Việt Nam và Mỹ từng xảy ra chiến tranh, sau đó hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và giờ thành đối tác của nhau, đó là mối quan hệ hết sức thành công. Với Triều Tiên, quan hệ với Việt Nam phát triển hữu nghị từ năm 1950 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Do vậy, tôi nghĩ, dù là Mỹ hay Triều Tiên, đều rất xem trọng vai trò của Việt Nam. Những đóng góp của Việt Nam với Hội nghị lần này sẽ được cả thế giới quan tâm”.
Khẳng định hình ảnh một dân tộc yêu chuộng hòa bình
Trong suốt quá trình lịch sử, Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng cũng từng gánh chịu những cuộc chiến tranh và phải trải qua các cuộc đàm phán hòa bình mới có được một nền hòa bình thực sự bền vững. Hơn ai hết, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và mong muốn được đóng góp vào vấn đề kiến tạo hòa bình cho khu vực và thế giới. Với vị thế và vóc dáng của một quốc gia tầm trung, Việt Nam vinh dự khi được lựa chọn là “điểm hẹn hoà bình” cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Thông qua chủ trương ủng hộ đối thoại, Việt Nam luôn mong muốn thể hiện hình ảnh một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, xuyên suốt từ lịch sử quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Một môi trường an ninh chất lượng cao cho hội nghị, một nước chủ nhà trung lập, thân thiện, hiếu khách, một tinh thần dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình… Tất cả những yếu tố này đã và đang tạo nên hình ảnh Việt Nam tích cực thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.