(VOV5) - Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”
Cuối tuần qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì 2 buổi làm việc về Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây là đề án quan trọng, có tính chiến lược đối với sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng Đề án hướng đến thúc đẩy tiến bộ xã hội trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường… và quan trọng nhất là hướng đến người dân, để phụng sự nhân dân tốt hơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Đề án; cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực; làm rõ hơn một số nội hàm và có thể bổ sung thêm một số chuyên đề mới phù hợp với yêu cầu thực tế.
Lấy chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở tư tưởng
Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được thể hiện từ Hiến pháp năm 1946. Vấn đề này cũng được khẳng định trong Cương lĩnh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Tiếp đó, Hiến pháp năm 2013 và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội một lần nữa đều khẳng định vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, khẳng định: “Tinh thần là chúng ta có một đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan nhà nước, thực sự là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thống nhất những quan điểm cơ bản, đột phá. Nhiều ý kiến đề nghị có những đột phá cần thiết để nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn tới, tầm nhìn 2045 đảm bảo thành công, trong đó có vấn đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, xây dựng kỷ cương đất nước, phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế. Chúng ta cũng phải quán triệt tinh thần là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở tư tưởng để không ngừng củng cố và phát triển.”
Các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với Đề án là có đánh giá tác động của hội nhập với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Việt Nam. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải hài hòa với luật pháp quốc tế, đáp ứng được việc thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia và dân tộc. Bên cạnh đó, là việc đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bởi đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong nhiều lĩnh vực nên pháp luật cũng phải theo kịp và điều chỉnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Đề án này nhằm phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho đất nước phát triển theo tinh thần dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chứ không phải một đề án pháp trị. Do đó, quá trình xây dựng Đề án bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc xây dựng đề án phải có phương pháp tiếp cận khoa học, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế dựa trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống về lý luận và thực tiễn đặt ra theo yêu cầu cụ thể tình hình trong nước và quốc tế.”
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Dự kiến Đề án sẽ được trình Trung ương vào tháng 10/2022. Việc Đề án được xây dựng trên tinh thần mang tầm chiến lược, có những đột phá cần thiết sẽ góp phần quan trọng để xây dựng thành công mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tầm nhìn 2045, có ý nghĩa thiết thực đối với người dân và cơ quan Nhà nước.