(VOV5) - Cự Đà là một trong những làng nghề làm miến lớn nhất miền Bắc.
Làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, Hà Nội, không chỉ bảo tồn được những ngôi nhà kiến trúc truyền thống và Pháp, mà nơi đây còn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Cự Đà là một trong những làng nghề làm miến lớn nhất miền Bắc.
Quang cảnh sản xuất miến ở nhà ông Vũ Văn Thân (Ảnh: Ngọc Anh)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Miến là món ăn quen thuộc đối với người dân Việt Nam, đặc biệt món ăn dân dã này không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết và những ngày trọng đại khác trong các gia đình người Việt Nam. Miến tạo nên một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.
Nghề làm miến có cách đây hàng trăm năm. Sợi miến Cự Đà có đặc điểm rất dễ nhận là thường có màu vàng óng hoặc trắng mịn. Sợi miến nhỏ, đều, nhìn là biết được “ra lò” từ Cự Đà chứ không lẫn với nơi nào khác.
Nghề làm miến dong được đưa vào Cự Đà khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay trở thành nghề chính của nhiều hộ gia đình (Ảnh: Lan Anh)
|
Ông Vũ Văn Thân, một trong những người làm nghề lâu năm ở làng Cự Đà, cho biết: “Miến làng Cự Đà làm 100% bằng bột rong riềng. Làm miến muốn ngon phải chọn bột tốt. Bột tốt là bột nguyên chất rong riềng, bột dong riềng phơi khô là tốt nhất. Rong riềng lấy từ các vùng như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu… vì những nơi đó có nhiều đồi trồng được rong riềng. Màu sắc miến tùy theo thị trường, nhu cầu của từng vùng. Người ta thích miến trắng thì không pha mầu, còn pha màu thì pha bằng nước kẹo đắng để miến có màu nâu vàng”.
Để có sợi miến ngon, ở mỗi công đoạn người làm miến phải cẩn thận và tỉ mỉ. Bột rong riềng được ngâm với nước và lọc để chọn lấy phần tinh bột, rồi được đánh lên. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín. Bột chín mang hòa với bột đã lọc, với tỷ lệ 1/10 tạo nên hỗn hợp. Tiếp đó, bột được tráng thành bánh, hấp chín và đem phơi nắng. Sau khi gần khô, bánh được đưa qua máy cán thành từng sợi miến nhỏ, dài và phơi nắng tiếp là thành miến thành phẩm. Công đoạn phơi miến phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu thuận lợi, chỉ cần một nắng là đủ khô.
Phơi miến (Ảnh: Lan Anh)
|
Chị Đinh Thanh Tú, một người dân Hà Nội đi chợ Cự Đà mua miến, cho biết: “Miến là một trong những đặc sản của làng Cự Đà. Tôi chẳng ngại đường xa từ Hà Đông về làng Cự Đà để mua miến. Miến Cự Đà ngon, giòn, dai, ăn không thể quên được, dù nấu hơi nhiều lửa một chút thì miến vẫn không bị nát. Tôi vẫn thường hàng năm về Cự Đà vài lần để mua miến vừa cho gia đình vừa biếu người thân”.
Làm miến quanh năm, mỗi ngày, làng Cự Đà có khoảng 15 tấn miến được xuất xưởng. Lượng khách đặt hàng miến ngày càng tăng và nhiều khách hàng phải đặt hàng từ rất lâu mới có hàng để lấy được hàng. Cứ vào mùa cưới, lễ hội hoặc Tết nguyên đán cổ truyền, cả làng Cự Đà lại sôi động hẳn lên bởi nhà nhà làm miến, người người đến mua miến. Dịp này, mỗi ngày phải có từ 20 - 25 tấn miến Cự Đà được ra lò.
Cổng làng Cự Đà (Ảnh: Lan Anh)
|
Ông Vũ Văn Thân, gia đình có truyền thống làm miến, kể: “Trước đây miến làm thủ công, tráng bằng tay nồi rộng miệng hay là cái chảo, ngày chỉ được hơn 1 tạ miến. Sau này phát huy sáng tạo khoa học thì làm bằng máy. Hầu như các cơ sở sản xuất ở đây làm miến đều làm máy, kể cả máy tráng và máy cắt miến. Hiện nay nhà tôi làm từ 1,5 đến 2 tấn/ngày. Thị trường chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, miền núi và ra cả nước ngoài. Miến Cự Đà phần lớn làm xong là có các đại lý tới lấy tiêu thụ, ngày nào hết ngày ấy”.
Bản đồ làng Cự Đà (Ảnh: Lan Anh)
|
Đến Cự Đà vào những ngày nắng đẹp, nhìn những sợi miến vàng óng, mượt mà được phơi ở mọi nơi trong làng, người ta tưởng như đang lạc vào làng sản xuất lụa. Những dải lụa bằng miến phơi trong nắng cứ thế nối tiếp nhau trên từng ngõ ngách, tạo nên một khung cảnh rất đẹp, thu hút du khách và những nhà nhiếp ảnh.
Làng Cự Đà có truyền thống làm miến lâu năm. Các thế hệ con cháu tiếp nối và phát huy những gì ông cha để lại và cho tới bây giờ, miến Cự Đà đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Hàng trăm tấn miến được xuất đi mỗi năm đem lại thu nhập ổn định cho người dân làng. Nhiều hộ dân trong làng Cự Đà đã trở nên khá giả nhờ nghề này.