Nông dân tỉnh Đồng Tháp mưu sinh mùa nước nổi

(VOV5) - Hiện nay, lũ đã tràn về nhiều khu vực của Đồng bằng sông Cửu Long.  Mùa lũ năm nay về tuy muộn nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước làm hài lòng người dân  ở vùng sông nước tỉnh Đồng Tháp sau thời gian dài chờ đợi. Với người dân nơi đây lũ về đem theo nguồn lợi thủy hải sản giúp họ  tiếp tục có nghề mưu sinh.

 

Nông dân tỉnh Đồng Tháp mưu sinh mùa nước nổi - ảnh 1
Ảnh minh hoa: nhandan.com.vn

Nghe âm thanh tại đây:




Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch) hàng năm. Mùa nước nổi, còn gọi là mùa lũ là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vùng hạ lưu Sông Mekong). Mùa nước nổi mặc dù là hiện tượng lũ lụt, nhưng lại không phải là thiên tai đối với toàn bộ dân cư nằm trong vùng ảnh hưởng của hiện tượng thiên nhiên này. Đã trở thành tập quán từ nhiều năm nay, cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long coi mùa nước nổi là một mùa thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, thay vì canh tác nông nghiệp họ chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào đem lại nhờ hiện tượng ngập lụt mênh mông trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đem lại. Mùa nước nổi còn tạo điều kiện cho đất đai canh tác nông nghiệp được nghỉ ngơi, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh của cây trồng nông nghiệp, cung cấp một lượng  phù sa màu mỡ cho thổ nhưỡng toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vậy, kể từ trung tuần tháng 9 dương lịch nước lũ đổ về nhiều, dù mực nước trung bình còn thấp so với nhiều năm trước, nhưng cũng đã khiến người nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Anh Giang, Kiên Giang… vui mừng khôn xiết. Ông Huỳnh Văn Năm, nông dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vui vẻ cho biết: “Nước lớn thì cá tôm cũng theo về mình sẽ đánh bắt lớn , còn mấy năm trước nước nhỏ mình khó làm ăn lắm”.

 

Ông Huỳnh Văn Năm còn cho biết cách đây không lâu, khu vực bãi bồi đất canh tác  nơi ông sinh sống vẫn còn cảnh đồng khô cỏ cháy. Không thể chờ đợi được nên nhiều người đã ở đây phải chấp nhận bỏ xứ, lên Bình Dương hoặc thành phố Hồ Chí Minh để làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng trở lại đây, nước các dòng kênh đã dần đầy trở lại. Cả xóm nơi ông ở chỉ còn chục người chua bỏ đi nơi khác làm ăn nên chuyển sang đặt lợp cua hoặc giăng lưới cá linh. Là người có gần 10 năm làm nghề đánh bắt thủy sản nên ông  rất vui mừng Với chừng 250 cái lợp, mỗi ngày ông bắt được khoảng 16 kg cua đồng để bán thương lái với giá 14.000 đồng/kg. Với số tiền thu được cũng coi như gia đình tạm sống được. Bà Phạm Kim Chi ở thị trấn Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Mực nước bắt đầu lên bờ từ cuối tháng 9 đến nay, tuy lên muộn nhưng có còn hơn không. Bà con sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản nơi đây vui mừng khôn xiết: “Ở vùng sâu này người ta chỉ sống bằng nghề trồng lúa , đánh bắt cá,  tôm nên nước lũ về là có nguồn sống, là có tiền. Khi có ít lũ thì họ từ trong đồng túa ra ngoài này nhiều lắm làm hầm nuôi cá lóc, cá tra. Ngoài giăng lưới, giăng câu, bà con nơi đây còn đặt lợp bắt cá lóc, nuôi lươn, hái bông điên điển tăng thêm thu nhập…nhờ đó cũng cải thiện phần nào cuộc sống.”          

 

Ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn  tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Từ đầu tháng 10, mực nước các nơi trong tỉnh lên theo triều và tác động từ nước thượng nguồn đổ về nhiều. Mực nước đang ở mức cao hơn năm 2015, nhưng vẫn còn thấp hơn trung bình nhiều năm. Tỉnh Đồng Tháp đang gấp rút triển khai các giải pháp, phát triển sinh kế bền vững cho người dân bằng cách nhân rộng các mô hình thích ứng, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để nông dân mưu sinh mùa nước nổi. Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp hướng tới đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm chủ động điều tiết nguồn nước, kiểm soát nước để gia tăng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở trong vùng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác