(VOV5) - Cây bút trẻ Nguyễn Hải Yến ở Hải Dương được xem là hiện tượng văn học trong hai năm qua.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến |
Tập truyện ngắn đầu tay “Quán thủy thần” của Nguyễn Hải Yến do NXB Văn hoá Văn nghệ TPHCM ấn hành vừa ra mắt đã bất ngờ được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua.
Sau khí Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm công bố kết quả cuộc thi truyện ngắn (2018 - 2020) gồm hai giải nhất, trong đó có Nguyễn Hải Yến với hai truyện Hoa gạo đáy hồ và Cửa sông thiên đường thì NXB Văn hóa- Văn nghệ phát hành tập truyện Hoa gạo đáy hồ của chị.
Với 10 truyện ngắn, “Hoa gạo đáy hồ” đã chinh phục người đọc bằng giọng kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn và qua nhiều cung bậc mới lạ của ngôn ngữ, nhân vật và cuộc đời.
Điều đặc biệt trong tập truyện là tác giả khai thác bối cảnh, con người ở vùng quê Bắc bộ thuần Việt sắc nét và sinh động.
Tập sách được chia làm 2 phần rõ rệt: phần 1 là những truyện ngắn với bút pháp hiện thực, phần 2 là bút pháp hiện thực huyền ảo. Nhưng hiện thực huyền ảo của Nguyễn Hải Yến có nét riêng biệt. Bây giờ, mời quý vị cùng phiêu du với dòng sông hoa gạo, với cửa sông đẹp như mơ qua cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Hải Yến với phóng viên chương trình.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
"....Tôi giật mình nhìn sâu vào bóng tối. Hóa ra trong căn buồng nhỏ không phải chỉ còn một mình tôi. Chị Mai đang ngồi bó gối cuối giường, hướng mông lung về phía cửa.
“Em tưởng chị đi rồi?”. “Lẽ ra là thế. Nhưng hồi khuya chị nghe sóng nổi.”. “Cạnh hồ lớn. Tiếng sóng có gì lạ?” . “Không phải ! Sóng cuộn từ đáy hồ lên, từng đợt, nghe nặng và trầm chứ không mảnh như sóng trên mặt nước. Em thấy không?”. “Em chỉ biết là có sóng. Nhưng hình như có cả tiếng chuông chùa. Mà quanh đây làm gì có người ở. Đi suốt cả sáng qua chỉ thấy quán nhà mình.”. “Có em ạ ! Có làng mạc. Cả một ngôi chùa với hai cây gạo đôi trước cổng. Đêm qua nở hoa rồi đấy.” “Sao chị biết?”. “Chị nghe tiếng chuông. Mỗi năm một lần, cứ đêm nào chuông báo, sóng sẽ lên từ đáy hồ, sáng ra là hoa gạo trôi về, tụ lại ngay đầu bến dưới kia…”. “Thế ngôi chùa và cây gạo ở đâu?”. “Ở làng chị… Đảo giữa hồ…”....
(Trích Hoa gạo đáy hồ - Nguyễn Hải Yến)