(VOV5) - Năm 1991, khu Từ đường được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 15km về phía đông nam, khu di tích Từ đường Nguyễn Khuyến nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam.
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Từ đường Nguyễn Khuyến là nơi thờ Nguyễn Khuyến, một nhà thơ lớn của Việt Nam, nơi lưu giữ các kỷ vật, các bức hoành phi, câu đối của các bậc đại sĩ tặng nhà thơ, các bức ảnh về quan trường, các tác phẩm của ông.
Từ đường Nhà thơ Nguyễn Khuyến |
Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1909. Ông sinh ở quê mẹ tại làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tuy vậy, ông lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, tức làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Năm 1864, khi 29 tuổi, ông đỗ đầu thi Hương ở trường Nam Ðịnh. 7 năm sau, năm 1871, ông liên tiếp đỗ Hội nguyên rồi Ðình nguyên (đây là các cấp thi của triều đình phong kiến để chọn người tài ra làm quan). Do đó, người đời gọi ông là "Tam Nguyên Yên Ðổ" (tức người làng Yên Đổ đỗ đầu 3 kỳ thi).
Trong hơn mười năm tham gia quan trường, ông từng làm việc ở Quốc sử quán và Bộ Hộ trong triều đình Huế; được bổ dụng chức Ðốc học, án sát, Bố chánh ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, rồi ông cáo hưu ở tuổi 50 (1884). Ông mất tại quê nhà năm 1909, thọ 75 tuổi.
Từ đường Nguyễn Khuyến là một phần trong khu nhà cũ mà nhà thơ đã sống.
Cổng vào từ đường |
Khu Từ đường được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo. Bên ngoài là nhà đại tế, bên trong là hậu cung. Chỉ những người được sắc phong thần thì mới được xây như vậy. Ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1941), hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến, giới thiệu: "Nhà đại tế gồm 7 gian thì từng bị dỡ, chỉ còn 3 gian . Nhà cũ của cụ 9 bậc, đằng sau 5 bậc đều được cụ đưa vào thơ:“Ta về năm sáu năm nay. 7 gian nhà ở tháng ngày ung dung.Nhà ta, ta phải đắp cao nền. Hễ nước lên thì tớ cũng lên. Sóng cả 3 tầng đè xuống dưới. Thềm cao 9 bậc bước lên trên".
Quanh nhà đại tế có 3 cây nhãn cổ thụ quanh năm xanh tốt. Ba cây nhãn này được trồng hơn 100 năm, là giống nhãn tiến vua, do con trai cụ Nguyễn Khuyến tự tay trồng. Việc trồng cây nhãn trước cửa khu từ đường có ý nghĩa sâu xa. Nhãn trong từ Bảng Nhãn - một danh hiệu của học vị Tiến sĩ trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Con trai cụ Nguyễn Khuyến trồng cây nhãn, muốn nhắn nhủ thế hệ sau tiếp bước việc học hành của dòng họ, cố gắng đỗ đạt cao.
Đi sâu vào Từ đường, du khách sẽ thấy những nghiên bút, sắc phong, câu đối, đó là tấm biển "Ân tứ vinh quy", "Nhị giáp tiến sĩ" do Vua Tự Đức ban cho cụ Nguyễn Khuyến. Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Đây là câu đối: đất Hà Nam có sông Vị Giang dài và lớn, chỉ cần con người làm nên sự nghiệp. Còn bài thơ này là của ông Cù Huy Cận tặng cụ nhân tiết thanh minh. Đây là ý thơ cụ Dung Khuê tặng cụ Tam Nguyên”.
Chân dung Nhà thơ Nguyễn Khuyến |
Hậu cung của Từ đường được làm bằng gỗ, theo kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó vẫn lưu giữ hòm sách và ống quyển (ống dùng để chứa giấy thi và bài thi của thí sinh xưa) từ ngày cụ Nguyễn Khuyến còn dùi mài kinh sử; lưu giữ bộ triều phục của quan ngự sử Nguyễn Khuyến. Có bức tượng tạc hình cụ chống gậy trúc, khoan thai nhìn trời xanh. Bà Nguyễn Thị Cúc, du khách đến thăm Từ đường, cho biết: "Đi vào thăm nhà Từ đường Nguyễn Khuyến tôi thấy rất đẹp. chỉ mong các thế hệ nối dõi văn thơ của cụ, nâng cao nền văn thơ".
Hằng năm, những trường phổ thông trung học, nhất là trường mang tên cụ đều đưa các học sinh về đây để nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp văn thơ của cụ. Nguyễn Huy, sinh viên trường Đại học xây dựng, chia sẻ: "Từ bé tôi đã học qua những bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến . Bây giờ mới có dịp đến nơi này. Qua đây, tôi mới cảm nhận được hết những hồn thơ mà cụ đã dày công sáng tác".
Hơn 100 năm trôi qua, kể từ ngày cụ Nguyễn Khuyến tạ thế, những gì cụ để lại cho hậu thế đã trở thành giá trị vô giá trên thi đàn văn học dân tộc.
Nếu có dịp về thăm mảnh đất Hà Nam, du khách hãy ghé thăm khu Từ đường Nguyễn Khuyến để có thêm những hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp của một nhà thơ lỗi lạc, một danh nhân có nhiều cống hiến cho nền văn học Việt Nam.