(VOV5) - Anh đã dành cả tuổi thanh xuân triển khai dự án này, giúp nhiều làng nghề liên kết, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và triển du lịch làng nghề.
Chàng trai trẻ Ngô Quý Đức là người sáng lập dự án Về làng. Anh đã dành cả tuổi thanh xuân triển khai dự án này, giúp nhiều làng nghề liên kết, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và triển du lịch làng nghề.
Nghe âm thanh tại đây:
Ngô Quý Đức sinh năm 1985 tại Hà Nội. Giữa năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học, Ngô Quý Đức nảy sinh ý tưởng thực hiện một dự án văn hóa Hà Nội. Và anh bắt đầu tìm kiếm những người đồng hành thành lập dự án “My Hanoi”, dự án được ví như một thư viện trực tuyến về văn hóa Hà Nội.
Tháng 5/2021, dự án “Về Làng” của Ngô Quý Đức chính thức ra mắt. Đây là trang web đăng tải những thông tin về các làng nghề truyền thống, giới thiệu những sản phẩm thủ công trong nước: "Từ năm 2006, tôi có ý tưởng mong muốn làm điều gì đó về Hà Nội. Tôi đến gặp nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc và được ông chia sẻ, tư vấn cho dự án My Hanoi của mình. Sau dự án My Hanoi, tôi thấy thực sự đam mê, cuốn hút bởi nghề thủ công Việt Nam. Vì thế, tôi xây dựng dự án về làng, tập hợp tất cả kiến thức mà mình sưu tập trước đây về các làng nghề xung quanh Hà Nội và mở rộng hơn ra những tỉnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Hành trình từ năm 2006 đến nay, tôi đã đi được hơn 500 làng nghề. Mỗi làng nghề có câu chuyện riêng và có những làng nghề để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Qua những chuyến đi tôi thấy tay nghề của những người thợ thủ công rất giỏi, họ có kỹ thuật được truyền từ ông cha, vun đúc qua nhiều thế hệ, tạo ra những sản phẩm tinh xảo, xứng đáng ở tầm thế giới."
Ngô Quý Đức - Người sáng lập dự án Về làng. Ảnh: NVCC |
Ấp ủ ước mơ bảo tồn và lan tỏa giá trị làng nghề truyền thống, chàng trai trẻ Ngô Quý Đức đã lặn lội đến các vùng quê trong nhiều năm để triển khai dự án “Về Làng”. Anh đã trở thành “nhịp cầu nối” thúc đẩy sự liên kết giữa các làng nghề với doanh nghiệp, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, giao lưu giữa các nghệ nhân, doanh nghiệp. Thành công lớn nhất của “Về Làng” là sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều làng nghề, sự hỗ trợ của nhiều nghệ nhân với mong muốn gìn giữ, lan tỏa văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết, ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết: Tôi rất tin tưởng vào bạn Đức vì là người có tâm huyết đối với đồ chơi dân gian Việt Nam. Tôi cũng rất hào hứng khi làm việc cùng với Đức. Tôi mong muốn có nhiều bạn trẻ như bạn Đức để gìn giữ nghề làm đồ chơi dân gian.
Các chương trình “Về làng” tập trung vào điểm nhấn lịch sử văn hóa làng và đa dạng hóa trải nghiệm của du khách đối với các nghề truyền thống. Đặc biệt, chương trình du lịch trải nghiệm làng nghề được anh và các cộng sự xây dựng công phu, bài bản mang lại những trải nghiệm khác biệt cho du khách và những người quan tâm. Chẳng hạn, chương trình “Về Làng - Sợi tơ vàng dệt xuyên thế kỷ” đưa du khách đến với làng nghề dệt lụa Nha Xá (tỉnh Hà Nam) và làng may áo dài truyền thống Trạch Xá (Hà Nội) để du khách có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của làng nghề dệt lụa và may mặc lâu đời, được trực tiếp xem những công đoạn dệt, nhuộm và may áo dài, tham quan không gian trưng bày của làng nghề, gặp gỡ, giao lưu với nghệ nhân.
Chương trình “Về Làng - Tết xưa vùng Kinh Bắc” đưa du khách đến với làng Ðông Hồ (tỉnh Bắc Ninh) tìm hiểu nguồn gốc tranh dân gian Đông Hồ, trực tiếp in tranh. Chương trình “Về Làng - Rước đèn Trung thu”, các em nhỏ được nghệ nhân hướng dẫn làm ra những món đồ chơi truyền thống… Mỗi chuyến đi đều chứa đựng thông điệp trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc và được chuẩn bị rất kỹ về thông tin, kiến thức, câu chuyện, kết nối chặt chẽ với những người đang nắm giữ tinh hoa nghề truyền thống để thiết kế cho du khách những hoạt động trải nghiệm phù hợp, thú vị.
Những góc sắp đặt trong không gian trưng bày các sản phẩm thủ công của dự án "Về làng" tại phố Châu Long, Quận Ba Đình, Hà Nội : Ảnh: NVCC
|
Lòng say mê, nhiệt huyết của Ngô Quý Đức đã khiến nhiều nghệ nhân có thêm niềm tin vào giá trị dân gian, sức sống thủ công mỹ nghệ sẽ còn mãi với thời gian. Bà Đặng Hương Lan, nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi còn lại duy nhất ở khu phố cổ Hà Nội, coi Ngô Quý Đức như người con, người bạn đồng hành: Con tôi không theo nghề, cháu cũng không theo nghề. Giờ chỉ có cháu Ngô Quý Đức là chúng tôi tin tưởng nhất, truyền lại nghề cho Đức. Truyền cách làm khuôn, dậy cho cháu biết kỹ thuật làm nghề.
Dành tuổi thanh xuân cho dự án “Về làng” nhưng Ngô Quý Đức vẫn không dừng lại mà tiếp tục khởi đầu cho một dự án mới “Phường Bách nghệ”. Chàng trai này muốn tiếp tục truyền cảm hứng lan tỏa việc gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian, những những tinh hoa của văn hóa dân tộc đã được nâng niu kế thừa qua nhiều thế hệ.
Những nghệ nhân đã sáng tạo, gửi gắm tâm tư nguyện vọng của họ qua nghề truyền thống. Nên tôi nghĩ mình có trách nhiệm và cũng là niềm vinh dự với nghề dân gian truyền thống này. Trong hành trình 18 năm về làng, tôi tạo mối quan hệ thân thiết với người dân ở các làng. Dân làng họ coi mình như con cháu trong nhà, rất vui mừng khi biết mình về làng. Điều tôi mong muốn là nâng tầm sản phẩm thủ công Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn muốn đưa tinh hoa làng nghề Việt Nam ra thế giới.
Dự án “Về làng” có do Ngô Quý Đức khởi xướng có sự chung tay của nhiều bạn trẻ đang là sinh viên các ngành kinh tế, truyền thông, mỹ thuật, báo chí… có chung tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc. Mong muốn lớn nhất của Ngô Quý Đức là đưa những sản phẩm chất lượng cao, tinh hoa làng làng nghề Việt Nam đến với đông đảo du khách, công chúng trong nước và quốc tế. Ngô Quý Đức đã vinh dự nhận danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2017 bởi những cống hiến, đóng góp của anh với mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên.