(VOV5) - Dự kiến thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tăng cao, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có một số ngành nghề kinh tế mũi nhọn, như: hóa dầu, logistics, điện, hóa chất, cảng biển. Để phục vụ phát triển kinh tế cũng như thu hút các nhà đầu tư, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh.
Lao động chất lượng cao tại Dự án hoá dầu Long Sơn ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Gia Khang |
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 575.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp... Trong đó, lao động làm ở lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 37%, nông nghiệp 20,5%, dịch vụ hơn 42,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 80,8%; lao động được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ 33,8%, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Năng suất lao động trên địa bàn tỉnh cũng thuộc nhóm cao trên cả nước.
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội, cho biết: “Chất lượng nguồn nhân lực tương ứng là cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao so với cả nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn. Để đạt được kết quả này là do lãnh đạo tỉnh đã đưa ra Đề án đến năm 2025 lao động có bằng cấp đạt tỷ lệ 35%; đến 2030 là 43%.”
Tuy nhiên, dự kiến thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tăng cao, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao, như: hoá dầu, chế tạo, công nghệ thông tin, tự động hoá… Lúc đó, thực sự nguồn lao động như hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đầu tháng 11 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Để trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia, Bà Rịa- Vũng Tàu cần nguồn lao động đủ mạnh và chất lượng. Ảnh: Gia Khang |
Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Theo đó, các khu công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ưu tiên thu hút các dự án lớn, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; hình thành các trung tâm logistics. Do đó, tỉnh sẽ cần một lực lượng lao động lớn, lao động có tay nghề cao, lao động qua đào tạo.
Để chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, ngành Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, theo hướng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; cập nhật kiến thức, kỹ năng mới theo sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ hiện đại; nâng cao thời gian học Tiếng Anh và Tin học; đưa kỹ năng mềm vào trong chương trình để đào tạo cho học sinh, sinh viên. Đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho hơn 4 nghìn học sinh, sinh viên với các nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành nghề kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương – Hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: “Trong hơn 1 năm qua, đặc biệt là sau đại dịch COVID – 19, trường nhận thấy là sẽ phát triển theo định hướng ứng dụng, tức là trường sẽ đào tạo những gì mà bên doanh nghiệp và bên sử dụng lao động cần. Bắt đầu từ năm ngoái, trường đã làm được điều đó bằng cách sửa lại chương trình đào tạo, ký hợp đồng với các doanh nghiệp để các doanh nghiêp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo và tham gia đào tạo ngay từ năm đầu tiên.”
Tỉnh cũng định hướng hợp tác với các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản… và các tổ chức phi Chính phủ; song song với việc thông qua các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại tỉnh để đẩy mạnh liên kết đào tạo và xây dựng các chương trình giảng dạy cho lao động có tay nghề cao; xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn nghề quốc gia đảm bảo tương thích với tiêu chuẩn nghề khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); đẩy mạnh đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Trần Quốc Khánh cho biết: “Trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn tới, cần triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bản tỉnh; xây dựng chính sách thu hút lao động đến làm việc, chính sách nâng cao năng lực lao động chính sách thúc đẩy chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ; từ lao động chân tay sang lao động trí óc, chính sách hỗ trợ công nghệ, chuyển đổi số …để phù hợp với chính sách chung của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tích cực ban hành các chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao, hỗ trợ kết nối cung cầu lao động chất lượng cao, nắm chắc thông tin về nhu cầu các dư án mới đầu tư, nắm được nhu cầu doanh nghiệp trong ngắn hạn, dài hạn, cũng như đảm bảo nguồn lao động đáp ứng các ngành kinh tế trọng điểm.”
Để trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ chính trị thì việc đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, tỉnh sẽ nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.