Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2023: nhiều tín hiệu lạc quan

(VOV5) - Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sau thành công đưa được gần 143.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 159% kế hoạch của năm 2022, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2023 được dự báo tiếp tục có tiến triển tốt. Thực tế, ngay trong giai đoạn đầu năm, hoạt động xuất khẩu lao động đã ghi nhận được nhiều tín hiệu lạc quan đến từ cả các thị trường truyền thống cũng như các thị trường tiếp nhận lao động mới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với kinh nghiệm hàng chục năm đưa người lao động, thực tập sinh và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế Sovilaco ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những địa chỉ hàng đầu được người lao động ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước tin tưởng.
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2023: nhiều tín hiệu lạc quan - ảnh 1Lao động Việt Nam trước giờ xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: VOV

Đáng chú ý, sau hơn 2 năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại địch Covid-19, Công ty đã khôi phục hoạt động trong năm 2022 với nhiều kết quả khả quan, tạo tiền đề để bứt phá trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Sovilaco, nhận định: lĩnh vực xuất khẩu lao động có triển vọng tốt trong năm 2023.

 Theo đó, cùng với những tín hiệu lạc quan đến từ các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc…vốn chủ yếu dành cho lao động phổ thông, thị trường lao động chất lượng cao dành cho người lao động có tay nghề với mức thu nhập cao cũng hứa hẹn có nhiều bứt phá.

Ông Nguyễn Xuân Trung cho biết: “Năm 2022, lao động của chúng ta sang các nước làm việc đạt kết quả rất cao. Và trên đà phát triển của năm 2022, thì năm 2023 cũng báo hiệu có thể đạt được kết quả đưa số lượng người lao động sang làm việc ở nước ngoài nhiều hơn. Đặc biệt là các thị trường truyền thống của chúng ta đã có những đơn hàng tốt gửi về cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các thị trường mới ở châu Âu như: Hungary, Ba Lan, Rumani, Đức…cũng đã quen dần với việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Bên cạnh đó, còn có thị trường Australia và thị trường Canada, cùng một số nước ở Trung Đông cũng đang rất mong muốn tiếp nhận lao động của Việt Nam”.

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2023: nhiều tín hiệu lạc quan - ảnh 2Lao động về nước, tham gia phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội. Ảnh: VOV

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 110 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục ưu tiên triển khai các giải pháp để duy trì các thị trường truyền thống và tiếp nhận nhiều lao động, như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Đồng thời, tập trung phát triển thêm các thị trường ở một số nước châu Âu và Singapore với những ngành nghề có điều kiện việc làm tốt cũng như thu nhập ổn định cho người lao động... Hướng đi này của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận được sự hưởng ứng và đánh giá cao của doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nhất là định hướng mở rộng thị trường sang châu Âu và một số thị trường phát triển khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng kiến nghị: để phát huy hiệu của công tác này cũng như nhằm đảm bảo tính bền vững của lĩnh vực xuất vực xuất khẩu lao động, Bộ cần có những kế hoạch triển khai linh hoạt, cụ thể hơn.

Ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Sona, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho rằng: Chúng ta cần có những bước đi bền vững hơn. Cụ thể là việc mở rộng các thị trường tiềm năng có mức lương tốt. Ví dụ như các thị trường châu Âu và các thị trường Australia, đó là những thị trường rất tiềm năng. Để phát triển những thị trường này cần có chính sách từ Chính phủ, cụ thể là các cơ quan đại diện ngoại giao xúc tiến làm việc với Chính phủ phía bạn để mở ra các hoạt động hội thảo, giao lưu giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy công tác ký Hiệp định giữa hai nước, mở đường cho các doanh nghiệp tham gia…”.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho rằng để đạt mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng cần chủ động hơn, nhất là trong khâu đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp triển khai công tác này.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhấn mạnh: “Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước cũng như tăng số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì chúng ta cũng cần phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, chúng tôi đang yêu cầu tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài”.

Với những tín hiệu lạc quan ghi nhận được cùng với quyết tâm, định hướng mạnh mẽ của cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chắc chắn mục tiêu xuất khẩu lao động năm 2023 cũng như trong các năm tiếp theo sẽ đạt được, giúp nâng cao đời sống nhiều người lao động, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác