(VOV5) - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, mạnh mẽ.
Ngày 28/7/2021 đánh dấu kỷ niệm 26 năm ngày Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (28/7/1995-28/7/2021). Sau gần 3 thập niên hội nhập với khu vực, Việt Nam trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng đến cấu trúc thống nhất cũng như duy trì hòa bình, thịnh vượng của ASEAN khu vực. Việt Nam đã cùng chung tay và đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.
Việt Nam đã chính thức trở thành một thành viên trong ASEAN vào ngày 28/7/1995.
Nguồn: TTXVN |
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng. Việt Nam tiếp tục “tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN”..., “tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)” và “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN.”
Với định hướng này, việc tham gia ASEAN trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng là một trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương trong ASEAN của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của ASEAN trong tổng thể các hoạt động đối ngoại, coi ASEAN là vành đai an ninh trực tiếp của đất nước, là ngôi nhà chung của mình.
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN XVI và XVII tại thủ đô Hà Nội. Đây là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và kỷ niệm 15 năm gia nhập. Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam có nhiều đóng góp cụ thể quan trọng trong 4 lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và quan hệ đối ngoại.
Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Những dấu ấn quan trọng
Trong 26 năm qua, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước thành viên khác triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN, đặc biệt là việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Sự kiện Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015 có những đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam, trong đó có các sáng kiến, đề xuất như Chương trình Hành động Hà Nội 2010. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.
Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN còn được thể hiện qua những đóng góp đối với quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN. Đó là sáng kiến mở rộng thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ; sáng kiến mở rộng cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Đây là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong nội bộ ASEAN, mà giữa ASEAN với các nước, tạo vị thế của ASEAN với các đối tác.
Đóng góp hiệu quả của Việt Nam còn được thể hiện rõ qua những lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN với những đề xuất và sáng kiến cụ thể. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội năm 1998, Việt Nam đã soạn thảo Kế hoạch hành động Hà Nội để thúc đẩy sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, góp phần thu hép khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên. Năm 2010, lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy những gì các nhà quan sát ngoại giao gọi là “văn hóa thực hiện.”
Việt Nam nhận búa Chủ tịch từ Thái Lan tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Về an ninh và hòa bình, đáng kể nhất là những đóng góp cụ thể của Việt Nam trong việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và hiệu lực, góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Đặc biệt, năm 2020, đánh dấu 25 năm gia nhập ASEAN, cũng là lần thứ ba đảm đương cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung khi đó phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Thế nhưng, Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh và vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên. Nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch đã được công bố và đưa vào triển khai thực tế trong năm 2020. Quan trọng hơn, thông qua hợp tác chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, sự gắn kết trong ASEAN ngày càng trở nên bền chặt.
ASEAN luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Nhìn lại chặng đường hơn ¼ thế kỷ qua, sự thành công và vai trò ngày càng lớn của ASEAN với sự đồng hành của Việt Nam, đã một lần nữa cho thấy sự đúng đắn trong quyết định gia nhập ASEAN của Việt Nam.
Sự tham gia ấy không chỉ thể hiện sự chủ động, tích cực trong phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, mà còn cho thấy nhu cầu hợp tác tất yếu vì hòa bình, phát triển thịnh vượng của cả khu vực.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, mạnh mẽ. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường cũng chính là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn trong thời gian tới. Sau 26 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, góp phần xây dựng ASEAN trở thành Cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.