(VOV5) - Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, từ 10 - 13/11.
Các Hội nghị lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do dịch COVID-19. Đây không chỉ là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN mà còn định hướng, củng cố quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN đối thoại với đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN. Ảnh: thanhnien.vn |
Với lịch trình dày đặc hơn 20 hoạt động trong chưa đầy 4 ngày, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 10 đối tác sẽ trao đổi sâu rộng về nhiều nội dung liên quan đến xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, chia sẻ quan điểm về định hướng giải pháp cho nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Dự kiến, khoảng 100 văn kiện được trình lên lãnh đạo các nước ghi nhận và thông qua.
Tăng cường kết nối với các đối tác
Bên cạnh Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41, dịp này tại Campuchia còn diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN +1, Hội nghị cấp cao ASEAN +3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ 2 (với sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN và đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Tổ chức thương mại thế giới, Qũy tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển châu Á…).
Các hội nghị cấp cao liên quan lần này có ý nghĩa đặc biệt. Những diễn biến phức tạp gần đây trong tình hình an ninh, kinh tế khu vực và toàn cầu đang rất cần được các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác thảo luận, tìm ra giải pháp thỏa đáng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm cũng như khả năng đóng góp quan trọng trong nỗ lực giải quyết các vấn đề chung.
Hiện nay, ASEAN đã tạo dựng được quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với nhiều nước và tổ chức quan trọng, trong đó có tất cả các nước lớn. ASEAN thiết lập quan hệ với 11 đối tác đối thoại đầy đủ, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.
Các diễn đàn/cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt thu hút được sự tham gia của các đối tác vào hợp tác khu vực. Các đối tác nhìn chung đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Trung Quốc và Australia năm 2021, thông báo thiết lập CSP với Mỹ và Ấn Độ nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, cũng như xem xét đề xuất của các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc…Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, cho rằng: "ASEAN đã chứng minh được sự mạnh mẽ và vững vàng trong bối cảnh nhiều thách thức trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta tiếp tục thắp lên tinh thần đoàn kết để đạt được mục tiêu xây dựng một Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 bền vững, củng cố quan hệ với các đối tác".
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác
Việt Nam xác định hợp tác giữa ASEAN với các nước là ưu tiên trong chính sách đối ngoại và luôn tham gia đóng góp chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong vấn đề này. Theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Việt Nam đóng một vai trò xây dựng trong mối quan hệ giữa ASEAN với EU. Trong suốt chặng đường vừa qua, Việt Nam luôn đồng hành tích cực, đóng góp có trách nhiệm cho thành công, vai trò ngày càng lớn của ASEAN.
Đại sứ Na Uy tại ASEAN Kjell Tormod Pettersen thì cho rằng Việt Nam luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp có lợi nhất cho tất cả các thành viên cũng như Hiệp hội.
Về phần mình, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh, cho biết: "Việt Nam hiện là một đối tác rất quan trọng trong hội nhập ASEAN. Tất cả các lĩnh vực của Việt Nam đang thực sự hoạt động rất tốt".
Trong khi đó, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho rằng Việt Nam đã nâng tầm ASEAN trên trường quốc tế. ổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết: "Việt Nam là một thành viên rất tích cực của ASEAN và kể từ khi gia nhập đã đóng góp vào hành trình hội nhập của khu vực và quá trình xây dựng cộng đồng, đặc biệt khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010, cũng như năm 2020. Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thực hiện các định hướng ưu tiên khu vực, trong đó có nỗ lực chung của ASEAN đối phó với đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng góp phần tạo ra những ảnh hưởng chung cho quá trình hội nhập khu vực nói chung. Trong hơn 27 năm trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã nâng tầm vị thế ASEAN trên trường quốc tế".
Việt Nam luôn coi trọng hợp tác trong ASEAN cũng như ASEAN với đối tác, do vậy, Việt Nam sẽ luôn nỗ lực hết mình để đóng góp vào con đường phát triển chung của Hiệp hội, thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác, giải quyết khác biệt giữa ASEAN với các đối tác.