(VOV5) - Cuộc bầu cử Quốc hội Iran diễn ra hôm 26/2 với kết quả sơ bộ được công bố chiến thắng thuộc về liên minh các lực lượng cải cách và ôn hòa, vượt xa số phiếu bầu của phe phái bảo thủ, cả trong bầu cử Nghị viện lẫn Hội đồng chuyên gia. Các chuyên gia phân tích nhận định với kết quả này, những dấu hiệu tích cực về một cơn gió cải cách mới ở Iran đamg mở ra trước mắt.
|
Cử tri Iran tham gia cuộc bỏ phiếu hôm 26/2. (Ảnh: AP) |
Đây là lần đầu tiên khoảng 55 triệu cử tri đi bỏ phiếu kể từ sau khi có giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Với 90% số phiếu được kiểm, những người theo đường lối cấp tiến và ôn hòa đã giành được tất cả 30/30 ghế tại khu vực thủ đô Tehran, trong bối cảnh cuộc đua tại đây ghi nhận sự tham dự của hơn 1.000 ứng cử viên. Với kết quả này, lực lượng cấp tiến đang hướng đến một sự hiện diện mạnh mẽ nhất của họ tại Quốc hội kể từ năm 2004. Và cuộc bầu cử vừa qua có thể định hình tương lai tại quốc gia Hồi giáo này.
Phép thử cho định hướng tương lai
Kết quả bầu cử được xem là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ theo xu hướng cải cách của Tổng thống Hassan Rouhani, là "phép thử" đối với sự hài lòng của dân chúng về thỏa thuận hạt nhân, về những mâu thuẫn xã hội và thực trạng tương quan quyền lực ở nước này. Đồng thời, đây cũng là "phép thử" về định hướng tương lai cho các mối quan hệ đối ngoại của Iran, đặc biệt với Mỹ và các nước phương Tây, với Saudi Arabia và Israel. Trong bối cảnh Iran vừa ra khỏi tình trạng bị cô lập về kinh tế và ngoại giao suốt hàng chục năm qua, cử tri Iran càng đặt nhiều kỳ vọng vào một Quốc hội khóa mới trong việc dẫn dắt đất nước phát triển. Do đó, kinh tế là vấn đề được cử tri Iran quan tâm nhiều nhất. Thế nên, trong quá trình tranh cử, những cam kết cải thiện nền kinh tế thông qua mở cửa nhiều hơn với phương Tây, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri. Trái lại, những ý kiến kiểu phải tăng sức kháng cự của Iran đối với những kẻ thù lâu đời không còn thuyết phục cử tri được nữa. Cái mà họ quan tâm lớn nhất hiện nay là làm sao cải thiện cuộc sống, được trợ cấp thỏa đáng để bù đắp tình trạng giá lương thực, nhiên liệu tăng cao.
Kết quả bầu cử này có ý nghĩa rất quyết định đối với tương lai của Iran, tạo ra mọi tiền đề thuận lợi và điều kiện cần thiết để Iran bước vào thời kỳ mới là thoát khỏi bị bao vây, cấm vận và trừng phạt, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, hội nhập khu vực và thế giới. Bởi lẽ, nếu phe cải cách và ôn hòa thắng thế thì việc thực hiện thỏa thuận giải quyết vấn đề hạt nhân sẽ thuận lợi và kết quả, bước chuyển giai đoạn sẽ được thực hiện và tương lai của Iran thực sự là phía trước.
Làn gió cải cách đã thổi?
Lâu nay, chính trường Iran luôn là đấu trường tranh giành quyền lực gay gắt giữa hai lực lượng bảo thủ và cải cách. Trong khi phe phái cải cách cho rằng cần phải có những thay đổi nhằm thoát khỏi các biện pháp cấm vận của phương Tây, dần cải thiện mối quan hệ với thế giới để phát triển, thì lực lượng bảo thủ lại tỏ ra khá dè dặt. Vốn xem đạo Hồi là tư tưởng nền móng cho những quyết định về chính trị-xã hội, phe bảo thủ lo ngại làn gió cải cách theo thời gian có thể biến thành cơn bão phá vỡ thành trì quyền lực của họ.
Vì vậy, kết quả bầu cử với thắng thế thuộc về phe cải cách, được đánh giá là mang tính chất quyết định đối với định hướng tương lai chính trị của Iran trong khoảng thập kỷ tới. Trước mắt, tiến trình này có thể ảnh hưởng đến chính sách xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây của Tổng thống H.Rouhani theo đường lối cấp tiến và ôn hòa. Đây cũng là cơ hội mở ra một chương mới trong quá trình phát triển kinh tế của Iran dựa vào những nguồn lực nội tại và các cơ hội quốc tế. Tổng thống Iran Hassan Rouhani có thể sẽ có sự hợp tác tốt với một nghị viện ôn hòa hơn để theo đuổi chương trình nghị sự của mình. Mục tiêu mà ông H.Rouhani đặt ra là tiến hành các cải cách về kinh tế theo hướng mở rộng hợp tác với bên ngoài, tìm cách thu hút thêm đầu tư giúp tạo ra nhiều việc làm mới. Thị trường 80 triệu dân của Iran sẽ có sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài nếu như Iran có chính sách phù hợp để thoát khỏi cấm vận.
Tuy nhiên, tiến trình cải cách cũng không phải là một sớm một chiều và dễ dàng thuận lợi. Nếu nhìn vào cơ cấu quyền lực ở Iran có thể thấy kể từ thắng lợi của cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, tại Iran đã xuất hiện thể chế chính trị khá đặc biệt là mô hình giao thoa quyền lực giữa thần quyền và dân chủ. Mặc dù Iran là nước theo chế độ Cộng hòa do Tổng thống đứng đầu, nhưng quyền lực thực sự lại thuộc về Hội đồng chuyên gia bao gồm 88 thành viên, có quyền bầu và bãi nhiệm lãnh tụ tôn giáo tối cao.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà quan sát nhận định kết quả bầu cử Quốc hội Iran lần này có thể chưa tạo ra một bước đột phá nào ngay lập tức mà tiến trình cải cách sẽ tiến theo lộ trình. Sở hữu ưu thế về quy mô địa lý, vị thế chiến lược, dân số lớn, quy trình đào tạo nhân lực cũng như lịch sử, nền văn hóa cổ xưa và nguồn tài nguyên khổng lồ, Iran luôn có tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông. Trải qua thời kỳ dài cấm vận, hơn bao giờ hết, Tehran đang trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng tự khẳng định mình trong khu vực và trên thế giới.