Chương mới trong quan hệ Iran với các cường quốc

(VOV5) -  Sau 5 tháng kể từ ngày thỏa thuận hạt nhân Iran và P5+1 được ký kết, với không ít tranh cãi, không ít chỉ trích, Mỹ và phương Tây vừa nhất trí dỡ bở các lệnh trừng phạt đối với Tehran.


Đây được xem là sự kiện lịch sử, tạo ra một trang mới trong quan hệ giữa phương Tây và Iran sau hơn 35 năm thù địch, đồng thời mở ra một cơ hội lớn cho Iran trong tiến trình tái hội nhập với thế giới.

Chương mới trong quan hệ Iran với các cường quốc - ảnh 1
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Theo Straits Times, AFP.

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là bước tiếp theo của Thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi tháng 7/2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga,Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). Thỏa thuận này đạt được sau 2,5 năm đàm phán căng thẳng, chính thức khép lại 36 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Mỹ, phương Tây và Iran suốt từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Lòng tin được tạo dựng

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 16/1, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), một cơ quan thanh sát hạt nhân của Liên hợp quốc, khẳng định Tehran đã tuân thủ hiệp định hạt nhân đạt được giữa 6 cường quốc phương Tây và Tehran vào tháng 7/2015. Ngay sau khi IAEA đưa ra tuyến bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký sắc lệnh chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Theo đó, Mỹ dỡ bỏ phong tỏa tài sản của Iran, ước tính khoảng 150 tỷ USD, trong hệ thống tài chính quốc tế. Đồng thời cho phép xuất khẩu các máy bay chở khách sang Tehran, cấp phép cho các công ty Mỹ nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thảm và các loại mặt hàng khác từ Iran. Cùng ngày, Đại diện phụ trách vấn đề đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cũng khẳng định đại diện 6 cường quốc trên thế giới nhất trí dỡ bỏ lệnh trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng, công nghiệp thép, đóng tàu và nhiều lĩnh vực khác đối với Iran và đang tiến hành các biện pháp dỡ bỏ trừng phạt.

Cộng đồng quốc tế lập tức hoan nghênh động thái trên, cho rằng đây là thành công quan trọng phản ánh những nỗ lực dựa trên sự tin cậy của các bên trong việc thực thi các cam kết đạt được. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh việc thực thi hiệp định hạt nhân là thành công ngoại giao mang tính lịch sử, tin tưởng các bước đi này sẽ thúc đẩy sự ổn định trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định đây là bước khởi đầu của xây dựng lòng tin, Iran đã giữ lời hứa và đáp lại Mỹ và phương Tây chẳng có lý do gì mà không làm như vậy. Còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi đây là một chiến thắng quan trọng cho đất nước Iran. Thành công này chứng minh với thiện chí chính trị, kiên định và ngoại giao đa phương, các bên có thể giải quyết những vấn đề gai góc nhất.

Iran bước vào giai đoạn phát triển thịnh vượng?

Việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Iran, theo các nhà phân tích, sẽ giúp Iran vươn mình trở thành một cường quốc thực sự trong khu vực.

Xét về lĩnh vực kinh tế, bất chấp lệnh trừng phạt, Iran vẫn được xếp hạng trong số các nền kinh tế phát triển. Một loạt những lệnh trừng phạt nhiều năm qua, dù gây khốn đốn cho Iran, song kinh tế nước này vẫn đứng vững. So với các quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt khi phải đối mặt với thiệt hại do chiến tranh và các lệnh trừng phạt, chỉ số phát triển con người (HDI) của Iran vẫn được cải thiện. Iran được đánh giá là tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực kỹ thuật cao và đầu tư vào nghiên cứu khoa học nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực Trung Đông. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Iran đạt 3%. Do đó, không có gì bất ngờ khi các chuyên gia kinh tế nhận định việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt giúp nền kinh tế năng động của Iran phát triển nhanh và GDP của Tehran có thể tăng ấn tượng trong thời gian tới. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế cũng đánh dấu sự hồi sinh của nhà sản xuất dầu mỏ khổng lồ Iran trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Ước tính, Iran có thể gia tăng xuất khẩu dầu mỏ đến 60% trong năm nay. Nhưng Tehran không chỉ có dầu mỏ. Với 80 triệu dân và tổng sản lượng kinh tế hàng năm đạt 400 tỷ USD, quốc gia này sẽ là thị trường hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Còn xét về mặt chính trị và vị thế, Tehran đang trở thành một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ càng nâng tầm Iran trên chính trường quốc tế. Đối với Mỹ, Iran chính thức không còn là một "quốc gia rắc rối" mà đã trở thành một thế lực có thể đóng vai trò tích cực mang lại ổn định cho khu vực, giúp Mỹ "dập tắt đám cháy" đang bùng lên ở Trung Đông.

Lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, một trang vàng trong lịch sử Iran được mở ra, cùng với đó là những cơ hội lớn về kinh tế và chính trị. Thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với việc chính thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt, được xem là một bước ngoặt lịch sử, là viên gạch đầu tiên trên chặng đường xây dựng lòng tin giữa Iran với các cường quốc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác