(VOV5) - Cục diện toàn khu vực vẫn được nhận định là tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn rất cao.
Năm 2019, bức tranh toàn cảnh Trung Đông tiếp tục bị phủ bóng bởi những mảng tối u ám của xung đột, bạo lực và khủng hoảng. Cục diện toàn khu vực vẫn được nhận định là tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn rất cao.
Cuộc khủng hoảng Syria chưa có hồi kết
Tại Syria, tâm điểm chú ý của dư luận nhiều năm qua, tình hình xung đột, bạo lực, chia rẽ sắc tộc và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước, vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Cho đến cuối năm 2019, lãnh thổ quốc gia A rập này vẫn trong tình trạng “chia năm xẻ bảy” với sự hiện diện quân sự của hàng chục lực lượng khác nhau, trong đó có các thế lực nước ngoài. Sau chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” do Thổ Nhỹ Kỳ phát động vào miền Bắc Syria ngày 9/10 và kéo dài trong hai tuần, cục diện chính trị tại Syria đã thay đổi đáng kể. Mỹ đánh mất vị thế, trong khi Nga gia tăng đáng kể ảnh hưởng, còn Thổ Nhỹ Kỳ và Syria đã tiến thêm một bước lớn trong các toan tính của mình.
Tuy nhiên, điều dư luận mong đợi nhất là hòa bình và sự ổn định cho người dân Syria, thì vẫn chưa được thiết lập. Ngay khi quý vị nghe bài viết này, chiến sự đang diễn ra ác liệt tại Nam Idlib, khu vực Daraa, Damascus….Trong suốt năm qua, tình trạng bạo lực và giao tranh vẫn thường xuyên diễn ra trên rất nhiều vùng lãnh thổ Syria với sự tham gia của cả các lực lượng nước ngoài, quân đội và phe nổi dậy Syria, các tổ chức khủng bố và cực đoan, cướp đi mạng sống của hàng ngàn người vô tội.
Xung đột Palestine – Israel trực chờ bùng nổ
Một mảng màu u tối khác trong bức tranh tổng thể về hòa bình Trung Đông năm 2019 không thể không kể đến là cuộc xung đột đã kéo dài dai dẳng nhiều thập kỷ qua giữa Palestine và Israel. Việc chính quyền Mỹ liên tiếp có các bước đi theo kiểu khoét sâu đối đầu giữa hai bên như công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về đây; tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong vấn đề xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, đã khiến cho căng thẳng tại các vùng đất Palestine tăng cao trong suốt cả năm qua. Các cuộc bắn phá qua biên giới giữa các tay súng Palestine ở dải Gaza và quân đội Israel thường xuyên diễn ra, hình thành bầu không khí chiến tranh, chết chóc luôn trực chờ bùng phát và phá hủy tất cả.
Ảnh minh họa. nguồn: KT VOV1 |
Dư luận khu vực và thế giới đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về thế bế tắc trong tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, nhiều lần kêu gọi các bên kiềm chế bạo lực, tránh các bước đi làm gia tăng căng thẳng và nỗ lực hành động cứu vãn các cuộc đàm phán.
Căng thẳng gia tăng tại eo Hormuz, nguy cơ chiến tranh cận kề
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến giai đoạn bùng phát căng thẳng cực kỳ nghiêm trọng tại eo Hormuz trong năm qua. Mỹ và Iran đã đứng bên bờ vực xung đột quân sự thực sự. Washington triển khai nhóm tàu sân bay Abraham Lincoln tới Vùng Vịnh vào tháng 5, còn Tehran bắn hạ máy bay không người lái trị giá 200 triệu USD của hải quân Mỹ hồi giữa tháng 6. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã ra lệnh không kích Iran, nhưng hủy vào phút chót. Sau đó, I-ran còn bắt giữ một loạt tàu chở dầu nước ngoài tại eo Hormuz với những cáo buộc khác nhau.
Căng thẳng ở eo Hormuz phản ánh cuộc đối đầu địa chiến lược khốc liệt tại Vùng Vịnh giữa các thế lực quốc tế và khu vực. Mỹ và đồng minh Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhiều lần cáo buộc Iran tranh giành ảnh hưởng bằng các lực lượng ủy nhiệm ở Yemen, Syria và Iraq. Ngược lại, Tehran cho rằng Washington đe dọa hòa bình khu vực khi triển khai tàu sân bay, oanh tạc cơ và nhiều khí tài quân sự tới Vùng Vịnh. Mới đây, Iran còn tuyên bố sẽ tiến hành bước đi thứ 5 nhằm thu hẹp cam kết của họ trong thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với 6 cường quốc năm 2015, nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận không có các biện pháp thiết thực để duy trì thỏa thuận. Điều này cho thấy căng thẳng vẫn chưa thể sớm có hồi kết.
Những điểm sáng hiếm hoi
May mắn là, trong bức tranh tổng thể của khu vực Trung Đông năm qua, xen giữa những mảng màu tối u ám, còn có những điểm sáng le lói, dù ít ỏi. Đầu tiên phải kể đến sự hạ nhiệt đáng kể cuộc khủng hoảng ngoại giao bùng phát từ tháng 6/2017 giữa 4 quốc gia A rập là Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập với Qatar. Đầu tháng 12 vừa qua, Arab Saudi gửi thư mời Quốc vương Qatar tham dự hội nghị lần thứ 40 của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra tại Ryadh ngày 10/12. Đến ngày 15/12, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tuyên bố, thế bế tắc kéo dài với Arab Saudi đã bị phá vỡ.
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thu được thêm nhiều thành quả ở cả Syria và Iraq. Địa bàn hoạt động của IS ngày càng bị co hẹp và thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Tây Bắc Syria hôm 26/10.
Nhưng hơn hết, ngay trong tâm điểm của các cuộc khủng hoảng và xung đột, khát vọng và nỗ lực kiến tạo hòa bình vẫn luôn hiện hữu, vẫn nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Đó thực sự là những nét tươi mới, đầy tích cực trong bức tranh toàn cảnh Trung Đông đầy khói lửa, bạo lực năm qua.