Bức tranh ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam

(VOV5) - Cùng với sự hỗ trợ và đồng hành từ chính phủ, đoanh nghiệp Việt Nam đang tự tin tiến sâu hơn vào trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với độ mở lớn của nền kinh tế cùng các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi, ứng dụng khoa học và công nghệ, sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách cụ thể, các doanh nghiệp Việt đang tạo được sức cạnh tranh ở không chỉ thị trường trong nước mà còn tại thị trường khu vực và trên thế giới.

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang tích cực đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Bức tranh ứng dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí tài chính

Tạo ra hệ sinh thái sản xuất và dịch vụ bền vững

Là doanh nghiệp truyền thống gần 65 năm tuổi đời, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã nhiều lần chuyển tầng công nghệ, liên tục lập ra các trung tâm nghiên cứu để hình thành chiến lược chuyển đổi số. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, công ty đã phát triển sản xuất thông minh, sử dụng robot hóa, ứng dụng công nghệ học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối công nghiệp (IIoT); thực hiện sản xuất hàng loạt theo nhu cầu cá thể hóa: "Chúng tôi xây dựng một nền sản xuất thông minh, linh hoạt, hướng tới sản xuất xanh, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong sản xuất. Trên cơ sở tham khảo, nghiên cứu các mô hình quốc tế, doanh nghiệp xây dựng ra một mô hình cho riêng mình, đặc thù của một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống có lịch sử lâu năm. Chúng tôi phải tự động hóa các hệ thống máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ tự động hóa, hệ thống máy móc thiết bị có thể liên kết được với nhau trên cùng một nền tảng."

Tương tự, nhờ áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Nafoods Group là doanh nghiệp tiên phong số hóa vùng trồng, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất. Hiện tại, sản phẩm từ chanh leo của công ty đã xuất khẩu đi 70 nước trên toàn thế giới, tạo giá trị hàng trăm triệu USD.

Ông Phan Văn Xuân, đại diện Nafoods Group, chia sẻ: "Chúng tôi thu mua từ vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết. Nguyên liệu này đã được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, ứng dụng công nghệ cao, nên chất lượng luôn cao hơn".

Trong khi đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú với công nghệ nuôi tôm sinh học MPBiO đã ghi nhận thành công công nghệ này sử dụng toàn bộ vi sinh đối kháng để ức chế mầm bệnh, dùng vi sinh để tăng cường sức khỏe miễn dịch của tôm, và dùng vi sinh để xử lý nước trong ao. Theo đó, chi phí hóa chất giảm 95%, tiền điện giảm 50-70%, tiền thức ăn giảm trên 30%, sản lượng đạt trên 70.000 tấn/năm.. Với quy trình mới, Minh Phú đã tiếp cận được các khách hàng tại Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc.

Khẳng định thương hiệu Việt và vươn ra toàn cầu

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ hội lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho doanh nghiệp chính là được tiếp cận công nghệ ở một trình độ cao hơn, tự động hóa nhiều hơn. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tự tin khẳng định thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà mạnh dạn vươn ra thị trường quốc tế. Có thể kể đến các thương hiệu, hàng hoá của Việt Nam đã và đang vươn tầm, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Vinamilk (có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ), cà phê Trung Nguyên với nỗ lực đưa cà phê Việt chinh phục toàn cầu, gạo ST25 liên tiếp giành giải gạo ngon nhất thế giới…

Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với hàng loạt công ty công nghệ Việt lọt top doanh thu tỷ USD tại thị trường nước ngoài, nhất là lĩnh vực phần mềm, như: Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn công nghệ FPT, CMC… Lê Văn Hoàng, Chủ tịch hệ sinh thái công nghệ Kaopiz Holding, một doanh nghiệp Việt thành công tại thị trường Nhật Bản lĩnh vực phát triển phần mềm, khẳng định: "Việt Nam đi sau trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuy nhiên, các kỹ sư của Việt Nam với năng lực rất tốt, không thua kém gì các kỹ sư trên thế giới và hoàn toàn chúng ta có thể làm được những sản phẩm có chất lượng tương đương với các công ty trên thế giới. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đứng trước các cơ hội rất lớn để phát triển đất nước, khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới".

Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, Việt Nam đã góp mặt vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2022.

Trong cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp Việt nhận ra thế mạnh của riêng mình để có quyết định đúng đắng nhất, không ngừng thích ứng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để gia tăng năng lực và chất lượng sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ và đồng hành từ chính phủ, đoanh nghiệp Việt Nam đang tự tin tiến sâu hơn vào trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác