Bước tiến tích cực trong đàm phán NAFTA

(VOV5) - Đây là một tín hiệu tích cực bởi các vòng thương lượng 3 bên (Mỹ, Mexico và Canada) kéo dài khoảng 1 năm nay 

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sau vài tháng đàm phán bế tắc, nay đang xuất hiện những tiến triển. Đây là một tín hiệu tích cực bởi các vòng thương lượng 3 bên (Mỹ, Mexico và Canada) kéo dài khoảng 1 năm nay để tìm hướng viết lại thỏa thuận này hầu như không đạt đột phá, thậm chí có những thời điểm NAFTA đứng bên bờ vực khai tử. Tuy có những bước tiến tích cực song đường đến 1 thỏa thuận hoàn chỉnh trong năm nay sẽ còn chông gai.                                                

Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ là  hiệp định thương mại tự do giữa 3 nước  Canada, Mỹ và  Mexico, ký kết ngày 12/8/, có hiệu lực từ ngày  1/1/1994. Sau 1/4 thế kỷ giao thương, NAFTA là nguồn quan trọng tạo tăng trưởng kinh tế cho 3 nước tham gia. Theo thống kê, trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.

Thế nhưng trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho rằng NAFTA là 1 trong những hiệp định thương mại tệ nhất trong lịch sử, là nguyên nhân lấy đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ khi cho phép Canada, Mexico hưởng nhiều lợi thế. 

Thỏa thuận sơ bộ Mỹ - Mexico         

Thỏa thuận sửa đổi những nội dung quan trọng của NAFTA mà Mỹ và Mexico vừa đạt được hôm đầu tuần ít nhất đã tạo ra "ngã rẽ" cho lộ trình đàm phán bế tắc thời gian qua. Thỏa thuận được cho là đã tháo gỡ những mâu thuẫn cốt lõi vốn đã gây ách tắc trong quá trình đàm phán về các vấn đề như nguồn gốc xuất xứ ô tô, giải quyết tranh chấp và nông nghiệp. Theo thỏa thuận này, Mỹ và Mexico nhất trí 75% giá trị của một phương tiện sẽ được sản xuất tại một trong hai quốc gia, cao hơn ngưỡng 62,5% trong NAFTA đời đầu. Ngưỡng mới này đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong khu vực Bắc Mỹ cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân.

Bước tiến tích cực trong đàm phán NAFTA - ảnh 1Mỹ hiện không nhượng bộ về đàm phán liên quan đến lĩnh vực sản xuất ô tô. - Ảnh: hanoimoi.com

Song giới chuyên gia cũng nhận định nhiều khả năng điều khoản này có lợi hơn cho Mỹ vì các bộ phận ô tô do Mỹ sản xuất chiếm tới 40% giá trị của mỗi một chiếc xe do Mexico chế tạo ra và xuất khẩu sang Mỹ. Thỏa thuận mới cũng bao gồm yêu cầu các nhà sản xuất phải sử dụng nhiều hơn các vật liệu thép, nhôm, kính và nhựa được sản xuất tại Mỹ và Mexico. 2 quốc gia cũng đồng ý thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 16 năm và sẽ được xem xét đánh giá 6 năm/lần để tránh gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư. Đây được xem là sự nhượng bộ của Washington vì trước đó Mỹ yêu cầu phải đàm phán điều chỉnh thỏa thuận 5 năm/lần.

Một nhượng bộ khác của Mỹ là không đề cập gì tới yêu cầu thiết lập rào cản thương mại nhằm bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp theo mùa của nước này trước sự cạnh tranh từ Mexico.

Tuy thỏa thuận Mỹ-Mexico được Tổng thống Donald Trump đánh giá là thực sự tốt nhưng không thể thay thế cho NAFTAvì thiếu Canada, một trong ba thành viên của Hiệp định. 

Tín hiệu tích cực từ Canada

Ngay sau khi Mỹ và Mexico đạt được sự một thỏa thuận sơ bộ về 1 số nội dung của NAFTA, Mỹ và Canada cũng nhất trí tiến hành thảo luận chi tiết về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ này, nhằm thúc đẩy việc thông qua văn kiện mới. Tiến trình đàm phán lại có vẻ dễ dàng hơn nhiều sau thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Mexico. Nỗ lực của Mexico đã giúp Canada có được một cuộc đối thoại thực chất và hữu ích với Mỹ trong tuần này. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định lạc quan rằng Canada và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận trong ngày đàm phán tiếp theo (31/8). Như vậy, sau nhiều tuần không tham gia các cuộc đàm phán tại Washington, Canada đã trở lại cuộc chơi và đây hoàn toàn có thể là cú hích tạo ra đột phá trong quá trình đàm phán đã trì trệ bấy lâu.

Triển vọng đạt được thỏa thuận NAFTA giữa 3 bên Mỹ, Canada và Mexico đang ngày càng rõ nét. Giới đầu tư hy vọng với đà tiến triển này, Canada sẽ chấp nhận nhượng bộ một số lợi ích trong ngành chế biến trứng sữa, vấn đề lớn nhất giữa Mỹ và Canada trong đàm phán NAFTA, góp phần tạo ra NAFTA mới, duy trì sự ổn định trong hợp tác thương mại 3 bên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác