(VOV5) - Các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này với mục tiêu cải cách góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội và thu hút được nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập.
Một trong những nội dung mà Quốc hội dành thời gian thảo luận những ngày qua và được dư luận quan tâm đó là cải cách hành chính nhà nước, tinh giản biên chế. Các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này với mục tiêu cải cách góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội và thu hút được nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ý kiến chung của các đại biểu trên diễn đàn và bên hành lang Quốc hội là văn bản pháp luật còn quá nhiều kẽ hở, chồng chéo dẫn đến việc cải cách hành chính chưa đi vào thực chất. Đó là lý do để Quốc hội cần phải có những cải cách trong chính sách pháp luật về vấn đề này. Trao đổi với phóng viên bên hành lang quốc hội, ông Nguyễn Trường Giang, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Đây là lần đầu tiên quốc hội tiến hành giám sát tối cao các tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Qua giám sát thì có thể thấy được đặt trong tổng thể cải cách bộ máy hành chính nhà nước và cải cách bộ máy nói chung. Từ đó, qua kiến nghị của cử tri và báo cáo của các bộ ngành địa phương thì chúng ta nhìn ra tổng thể bộ máy hành chính nhà nước, từ đó quốc hội sẽ có những quyết sách và đưa vào nghị quyết trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác TTHC trong lĩnh vực tư pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Cho dù cải cách hành chính nhà nước là một việc làm khó và lâu dài nhưng thực tế đã cho thấy, nơi nào làm tốt sẽ góp phần giải quyết được khá nhiều vấn đề liên quan tới bộ máy và con người. Quảng Ninh là một ví dụ. Những giải pháp mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện trong việc cải cách bộ máy hành chính với việc áp dụng đề án Chính phủ điện tử tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục cũng như khắc phục tình trạng cồng kềnh của bộ máy. Đó là điều đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương quan tâm khi nói về việc thu hút nguồn lực: “ Muốn tinh giản thì phải phân loại đánh giá được cán bộ công chức. Năng suất lao động của chúng ta thấp, công việc phải cần nhiều người làm dẫn đến bộ máy cồng kềnh. Quan tâm thỏa đáng hơn việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức. Nếu không sẽ không đưa được người giỏi, thu hút được nhân tài, các em các cháu học ở nước ngoài trở về sẽ không đưa vào được các đơn vị”.
Cải cách hành chính với việc tổ chức sắp xếp bộ máy hợp lý và có sự phân định giữa mô hình chính quyền miền núi và đồng bằng sẽ tạo hiệu quả trong hoạt động của các địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Theo như ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thì:Mô hình chính quyền nông thôn miền núi phải thiết kế khác biệt. Ngay khu vực miền núi cũng khác nhau. Giám sát của Hội đồng dân tộc Quốc hội về việc thực hiện chính sách giữa các vùng miền liên quan tới giảm nghèo cho thấy điều này. Chúng ta có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho vấn đề cải cách hành chính nhưng chưa đề cập vấn đề nghiên cứu. Cần bố trí ngân sách cho vấn đề này và trong nhóm giải pháp tăng cường giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức”.
Quốc hội thảo luận cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định). Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cải cách hành chính nhà nước, tinh giản bộ máy sẽ đạt được hiệu quả khi có sự điều hành của Chính phủ, việc giám sát của Quốc hội trong mọi vấn đề còn tồn tại. Ông Nguyễn Trường Giang khẳng định:Cải cách bộ máy hành chính nhà nước không thể cải cách trên góc độ cải cách tổ chức riêng mà phải là cải cách từ tổ chức, biên chế và cơ cấu bên trong từng cơ quan. Từ đó mới đi đến hiệu quả cao được. Tôi cho rằng vai trò của chính phủ trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước cũng như là cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Luật tổ chức chính phủ, luật tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ về nhiệm vụ vai trò của Chính phủ cũng như chức năng của chính quyền địa phương. Chính phủ sẽ phải quy định rõ các cơ cấu của các cơ quan chuyên môn.
Nghị quyết về cải cách hành chính nhà nước sẽ được Quốc hội ban hành làm cơ sở về chính sách, pháp luật cho việc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới.