(VOV5) - Các diễn biến dồn dập khiến bầu không khí khu vực này đang hết sức nóng.
Căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục leo thang trong những giờ qua, kể từ sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran dừng 2 chiếc tàu chở dầu của Anh tại eo biển Hormuz với cáo buộc vi phạm luật hàng hải quốc tế. Đáng chú ý, Tehran bác bỏ thông tin 1 máy bay không người lái của nước này bị Mỹ bắn rơi trên eo biển Hormuz, đồng thời tuyên bố nước này đã phá vỡ một đường dây tình báo của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), bắt giữ nhiều người, một số người đã bị tuyên án tử hình. Các diễn biến dồn dập khiến bầu không khí khu vực này đang hết sức nóng.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln Mỹ điều tới Trung Đông hồi tháng 5/2019. - Ảnh: Daily Express |
Trong diễn biến mới nhất, Chỉ huy lực lượng phòng không-không quân thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh ngày 22/7 tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói dối về vụ tàu chiến Mỹ hạ gục máy bay không người lái Iran. Cùng ngày, Tehran cho biết đã bóc gỡ một đường dây gián điệp của CIA và bắt giữ 17 người, trong đó một số người bị kết án tử hình. Trước đó, ngày 19/7, Iran đã chặn và tạm giữ 1 tàu của Anh khi đi qua eo biểu Hormuz với lý do vi phạm luật.
Chiến lược gây sức ép tối đa của Washington
Theo cáo buộc của Tehran, tàu của Anh đã cố tình "tắt hệ thống định vị" và bỏ qua nhiều tín hiệu cảnh báo từ phía Iran trước khi bị bắt giữ. Trong khi đó, công ty Stena Bulk (Thụy Điển) điều hành tàu chở dầu này thì lại khẳng định con tàu tuân thủ hoàn toàn các quy định hàng hải quốc tế. Anh lập tức có phản ứng cứng rắn khi cảnh báo Iran sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu không thả tàu chở dầu nói trên. Tuy nhiên, dù chỉ trích hành động của Iran và cam kết sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ nhưng Anh lại khẳng định nước này không xem xét giải pháp quân sự mà muốn giải quyết vụ việc thông qua con đường ngoại giao.
Tuy nhiên, trái với lệ thường, lần này Mỹ lại không có bất kỳ hành động đáp trả nào khi Iran "động vào" đồng minh của Mỹ. Thay vào đó, Tổng thống Trump chỉ lên tiếng chỉ trích Iran và khẳng định sẽ trao đổi với Anh về vấn đề này. Theo các chuyên gia phân tích, đây dường như là một tính toán có chủ đích của Mỹ. Rõ ràng Mỹ muốn tránh một cuộc xung đột quân sự với Tehran, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang cận kề. Thay vì đe dọa các hành động quân sự, Mỹ muốn đẩy cao sức ép với Iran, dùng chiến lược gây sức ép tối đa để "bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu vốn là xương sống trong nền kinh tế của nước này. Thực tế, Iran gặp khó khăn trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Xuất khẩu dầu của Iran giảm đáng kể. Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng khiến châu Âu ngần ngại trong việc đầu tư vào Iran mặc dù một số nước châu Âu là những bên tham gia thỏa thuận hạt nhân. Quả thực, Mỹ tiếp tục kêu gọi Châu Âu gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran với mục tiêu buộc Tehran chỉ còn có thể lựa chọn ngồi vào bàn đàm phán.
Một bức ảnh tư liệu về con tàu chở dầu Stena Impero của Anh - Ảnh: Stena Bulk/CNBC. |
Trò chơi co kéo bên miệng hố chiến tranh
Kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, Tehran bước vào thời kỳ thù địch kéo dài với Washington. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama quan hệ hai nước được cải thiện bằng việc hai quốc gia và các cường quốc thế giới ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA), theo đó Iran kiềm chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng trừng phạt. Nhưng gió đã đổi chiều kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống Mỹ. Không chỉ rút khỏi JCPOA, ông Trump tiến hành chiến dịch gây áp lực tối đa, tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran.
Quan hệ Mỹ-Iran càng xấu hơn từ 2 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, có một thực tế là dù hai bên dành cho nhau những đáp trả cứng rắn, cảnh báo sắc lạnh, đặt giới hạn “lằn ranh đỏ”, nhưng cả hai bên đều tránh một cuộc đối đầu quân sự. Sau vụ Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái của Mỹ trên Eo biển Hormuz hồi tháng 6, Mỹ đã rút lại quyết định không kích trả đũa mà thay vào đó áp đặt nhiều lệnh cấm vận nhằm vào các quan chức hàng đầu Iran. Tương tự, phía Tehran cũng đáp trả Mỹ bằng cách rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và vượt ngưỡng cho phép làm giàu urani.
Vụ việc lần này cũng vậy, dù đe dọa và cảnh báo Iran song Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cử Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul tới gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại New York nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh. Iran cũng thực hiện chiến lược tương tự. Một mặt, Tehran "đánh tiếng" về sự tự do đi lại ở Vịnh Ba Tư, cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào chống lại nước này đều sẽ bị đáp trả tương xứng. Nhưng mặt khác, Iran cũng để ngỏ khả năng bổ sung thêm các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thậm chí phía Tehran còn đề xuất một cuộc gặp trực tiếp .
Chiến tranh Mỹ-Iran sẽ không xảy ra, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, mọi sự giằng co đều có giới hạn. Theo các nhà phân tích, trò chơi bên miệng hố chiến tranh mà hai bên đang áp dụng để thử sự kiên nhẫn của nhau rất có thể sẽ tạo tác dụng ngược, chỉ cần một mồi lửa nhỏ cũng có thể kích nổ thùng thuốc súng “Trung Đông” vốn vẫn luôn âm ỉ nóng, và lúc đó hậu quả thật khó lường.