Chấm dứt khủng hoảng ở Catalonia bằng bầu cử

(VOV5) - Cuối tuần qua, ngay sau khi cơ quan lập pháp Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, Thủ tướng Mariano Rajoy quyết định cách chức Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo chính quyền tự trị, đồng thời ra lệnh tiến hành bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21/12 tới.

Các bộ ngành chính phủ Tây Ban Nha cũng đã tiếp nhận việc điều hành các cơ quan khác trong chính quyền Catalonia.

Động thái này cho thấy sự cương quyết của chính quyền Trung ương Tây Ban Nha trước xu hướng ly khai của Catalonia, bất chấp căng thẳng có thể gia tăng trong những ngày tới đây.

Chấm dứt khủng hoảng ở Catalonia bằng bầu cử - ảnh 1Người biểu tình với dòng chữ "Sự thức tỉnh của đám đông im lặng". 

Việc nghị viện Catalonia bỏ phiếu chiều 27/10 để đơn phương tuyên bố trở thành quốc gia độc lập rõ ràng là động thái có tính khiêu khích mạnh mẽ với chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Vì vậy, phát biểu sau khi đưa ra quyết định giành quyền kiểm soát Catalonia, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn. Ông tin rằng việc lắng nghe người dân xứ Catalonia, lắng nghe tất cả mọi người là điều cấp thiết, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể thay họ hành động trái pháp luật.

Tác động tiêu cực khi Catalonia tự tuyên bố độc lập

Việc Catalonia tuyên bố độc lập không phải là ý chí của đa số người dân nơi đây. Hai ngày sau khi các nghị sỹ Catalonia bỏ phiếu thông qua việc tuyên bố vùng giàu có với dân số 7,5 triệu người này trở thành một nước cộng hòa độc lập, hơn 1 triệu người đã tham gia tuần hành để ủng hộ sự thống nhất đất nước. Quanh quảng trường Catalonia và dọc theo con phố sang trọng Passeig de Gracia, biển người và cờ rực đỏ thành phố. Báo chí Tây Ban Nha mô tả, từ 2010, năm mà đội tuyển bóng đá nước này lần đầu tiên vô địch World Cup, đến nay, chưa khi nào cờ Tây Ban Nha xuất hiện nhiều như thế. Từ già đến trẻ khoác lên mình quốc kỳ Tây Ban Nha và hát vang lời hát “Tây Ban Nha sẽ sống mãi”. Với những con người này, thông điệp chỉ có một: Catalonia là Tây Ban Nha, Tây Ban Nha là Catalonia và trò phiêu lưu gian lận về độc lập của vùng này cần phải chấm dứt. Trong biển cờ và khẩu hiệu, một trong những tấm biển xuất hiện nhiều nhất mang dòng chữ: “38% không phải là Catalonia” (con số cử tri ủng hộ Catalonia trở thành quốc gia độc lập). Tại thủ đô Madrid, hàng nghìn người dân Tây Ban Nha đã tập trung tại quảng trường Plaza Colon thể hiện sự ủng hộ thống nhất đất nước cũng như Hiến pháp Tây Ban Nha.

Trong khi đó, hàng ngàn người ủng hộ độc lập cũng có mặt tại quảng trường Sant Jaume phía trước trụ sở cơ quan chính quyền địa phương tại Barcelona, kêu gọi một chiến dịch đấu tranh không khoan nhượng với chính phủ trung ương. Hãng phân tích rủi ro Teneo Intelligence (Anh) nhận định căng thẳng chắc chắn sẽ gia tăng trong những ngày tới. Những người biểu tình có thể sẽ cố tình ngăn cản cảnh sát trong việc trục xuất các Bộ trưởng Catalonia khỏi nhiệm sở của họ.

Xét về kinh tế, việc cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia của Tây Ban Nha đơn phương tuyên bố độc lập gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với kinh tế vùng này. Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, gần 1.700 doanh nghiệp đã quyết định chuyển trụ sở khỏi Catalonia. Công ty đánh giá tín dụng tài chính Fitch thì đặt chỉ số tín dụng tài chính của Catalonia dưới sự giám sát đặc biệt. Fitch nêu rõ có cơ sở chắc chắn để khẳng định hành động tuyên bố độc lập của vùng Cataloni sẽ gây ra một thảm họa về kinh tế cho người dân nơi đây. Còn Chủ tịch tổ chức giới chủ Tây Ban Nha Juan Rosell thừa nhận rằng xu hướng ngày càng xấu và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội Catalonia.

Trên bình diện quốc tế, đến nay, chưa có bất kì quốc gia nào trên thế giới công nhận vùng Catalonia độc lập. Hàng loạt nước như Pháp, Đức và cả Mỹ, Mexico tuyên bố không công nhận sự độc lập của Catalonia, ủng hộ các nỗ lực của Thủ tướng Rajoy bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói việc Catalonia tuyên bố độc lập chẳng thay đổi được điều gì và Liên minh châu Âu sẽ chỉ làm việc với chính phủ trung ương Tây Ban Nha.

Chuẩn bị cho bầu cử

Bầu cử được cho là phương án tối ưu để giải quyết tình hình Catalonia hiện nay. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis tin tưởng rằng một cuộc bầu cử địa phương tại Catalonia sẽ kết thúc bằng việc vùng lãnh thổ này vẫn là một phần của Tây Ban Nha. Sau cuộc bầu cử, Catalonia sẽ trở lại xã hội giống như trước đây, cởi mở và hợp nhất. Ngoài ra, Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định Madrid hoan nghênh cựu Thủ hiến Puigdemont tham gia cuộc bầu cử sớm tại Catalonia vào tháng 12 tới. Người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo cho rằng ông Puigdemont cần chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới nếu muốn tiếp tục theo đuổi con đường chính trị. Đáp lại, đảng PDeCAT của cựu Thủ hiến Puigdemont tuyên bố sẽ tham gia tranh cử. Tuy nhiên kết quả của cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 29/10 cho thấy các đảng ủng hộ độc lập tại Catalonia sẽ đánh mất lợi thế chiếm đa số tại cơ quan lập pháp của vùng này nếu bầu cử diễn ra. Theo kết quả thăm dò, các đảng ủng hộ độc lập được cho là giành 42,5% số phiếu bầu trong khi các đảng phản đối độc lập sẽ giành hơn 43% số phiếu.

Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ qua đang trong giai đoạn căng thẳng nhất. Tuy phương án bầu cử đã được lựa chọn để giúp Tây Ban Nha khôi phục quyền quản lý và nền pháp quyền tại Catalonia song rõ ràng cuộc khủng hoảng ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh vùng Catalonia nói riêng và sự thống nhất của Tây Ban Nha nói chung.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác