Châu Á trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

(VOV5) - Trong vòng xoáy căng thẳng thương mại Mỹ -Trung, các quốc gia châu Á được dự báo đều ít nhiều chịu ảnh hưởng theo hướng đa chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Châu Á trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung - ảnh 1 Nguồn: TTXVN

Diễn đàn Tương lai Châu Á, sự kiện do Tập đoàn Nikkei Inc. đăng cai tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/5 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Khoảng 7 nhà lãnh đạo hàng đầu Châu Á cùng tham dự. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất, dự kiến được đề cập đến tại Diễn đàn lần này, là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục có động thái trả đũa lẫn nhau bằng các biện pháp thuế quan. Trong vòng xoáy đó, các quốc gia châu Á được dự báo đều ít nhiều chịu ảnh hưởng theo hướng đa chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Ngoài các nhà lãnh đạo Nhật Bản dự diễn đàn còn có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat và Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh.

Tác động nhiều chiều

Gần đây, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, châu Á nói riêng, chịu tác động từ rất nhiều yếu tố, trong đó có căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Ngay sau khi Washington và Bắc Kinh áp các mức thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, nhiều nhà phân tích đều đưa ra nhận định: Các trung tâm sản xuất giá rẻ của Châu Á sẽ được hưởng lợi khi các công ty tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất hoặc cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nơi vốn vẫn được coi là công xưởng sản xuất của thế giới nhiều năm qua. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy sản xuất ở các quốc gia Châu Á trong dài hạn.

Và trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, sang Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Indonesia… Xu hướng dịch chuyển này dường như đã tăng tốc khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới bước vào cuộc chiến thuế quan với nhiều đòn đáp trả lẫn nhau. Thương hiệu đồng hồ Casio của Nhật Bản mới đây cho biết sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất về nước và sang Thái Lan để tránh các mức áp thuế cao hơn của Mỹ, trong khi nhà sản xuất máy in Ricoh của Nhật Bản cũng có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan. Thương hiệu giày dép Steve Madden của Mỹ công bố kế hoạch thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Campuchia. Trong khi đó, hàng loạt nhãn hàng như giày chạy bộ Brooks Running, máy giặt Haier, tất Jasan, vốn cung cấp sản phẩm cho các hãng thời trang thể thao nổi tiếng như Adidas, Puma, New Balance và Fila, đều đã có kế hoạch tới Việt Nam.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc công bố trong tháng này, hơn 40% số công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đang xem xét hoặc đã chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác, chủ yếu là các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong khi một số quốc gia Châu Á được cho là được hưởng lợi từ việc phân bổ sản xuất do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì các quốc gia từng được mệnh danh là “những con hổ Châu Á” có khả năng phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và trung chuyển như Singapore, Hongkong, hay các nền kinh tế phát triển cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, sẽ chịu nhiều bất lợi. Lực lượng lao động chi phí cao cũng là nguyên nhân khiến các nước này khó có thể trở thành điểm đến cho các công ty muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, khó khăn trong chuỗi cung ứng, những thách thức về cơ sở hạ tầng và tình trạng thiếu đất ở những thị trường kém phát triển hơn cũng là những vấn đề Châu Á phải đối mặt.

Vai trò dẫn dắt của Nhật Bản, ASEAN

Làm sao để đón làn sóng đầu tư, thoát khỏi sự suy giảm xuất khẩu trong khu vực, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bao trùm trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là câu hỏi đang được đặt ra ở Châu Á lúc này.

Thời gian gần đây, Nhật Bản đang nổi lên đóng vai trò như một quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế Châu Á. Từ việc tích cực thúc đẩy ký kết CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đến thúc đẩy đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do Trung – Nhật – Hàn, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Để tránh tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Nhật Bản cũng khéo léo sử dụng nhiều biện pháp hóa giải sức ép từ phía Mỹ trong đàm phán thương mại liên quan tới hai ngành sản xuất ô tô và nông nghiệp với Mỹ, tích cực đàm phán Hiệp định thương mại hàng hóa với mục tiêu điều chỉnh hàng rào thuế quan. Trong khi đó, ASEAN với 10 quốc gia đang có nhiều lợi thế để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế khu vực. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi mọi thứ và ASEAN đang hợp tác chặt chẽ để cùng nhau chia sẻ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở, chuyển giao công nghệ, nhằm nắm bắt những cơ hội tốt nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, diễn đàn tương lai Châu Á tổ chức tại Nhật Bản là dịp để các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách trong khu vực thích nghi một cách tốt nhất trước những thách thức đến từ bên ngoài, từ đó đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bao trùm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác