Chia sẻ nỗi đau da cam/dioxin

(VOV5) - Hôm nay, 10/8, là ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất da cam/dioxin vẫn còn ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã có nhiều chính sách và hành động thiết thực chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chia sẻ nỗi đau da cam/dioxin   - ảnh 1
GS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng trao Ghi nhận tấm lòng vàng  cho các đơn vị ủng hộ cho chương trình  “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam” thành phố Đà Nẵng


Ngày 10/8/1961, chuyến bay đầu tiên mang chất diệt cỏ đã rải xuống thị xã Kon Tum, mở màn cho cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học của Mỹ xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong suốt 10 năm sau đó, khoảng 80 triệt lít hóa chất, bao gồm 20 loạt chất độc khác nhau, trong đó có chất da cam/dioxin, được quân đội Mỹ sử dụng khắp các chiến trường Việt Nam. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học và khoảng 3 triệu nạn nhân da cam/dioxin. Hệ lụy lâu dài của thứ chất độc này đã để lại nỗi đau cho nhiều thế hệ người Việt Nam

Cả cộng đồng cùng chung tay

Vào dịp kỷ niệm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam năm nay, Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) phát động phong trào vận động cả nước giúp đỡ các nạn nhân. Trên 2 tỷ đồng đã được dùng để tặng quà và giúp vốn sản xuất cho trên 100 gia đình nạn nhân. Trước đó, trong hơn 10 năm qua, VAVA đã vận động được trên 1.000 tỷ đồng, để hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 1.000 nhà cho các nạn nhân và trao 1.000 suất học bổng; đồng thời trợ giúp vốn sản xuất cho hàng trăm nghìn nạn nhân. VAVA đã xây dựng được gần 30 cơ sở bán trú để nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hiện Chính phủ cho phép VAVA xây dựng 3 trung tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, cho biết: “So với những năm trước, cuộc sống của nạn nhân da cam giờ đây đã bớt khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi vẫn trăn trở là nếu những gia đình có 3,4 em là nạn nhân da cam, bố mẹ mất đi rồi thì ai là ngươi chăm sóc những em đó. Chúng tôi mong có nguồn kinh phí ổn định để chăm sóc nạn nhân và hỗ trợ người chăm sóc nạn nhân”.

Trong dịp kỷ niệm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm nay, các tỉnh, thành tổ chức nhiều đoàn trực tiếp tặng quà cho các nạn nhân da cam. VAVA tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức gặp mặt và trao tặng 400 phần quà cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn, mỗi phần quà trị giá từ 300.000 - 1 triệu đồng. Đến nay, VAVA Thừa Thiên Huế đã huy động được trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà, trợ cấp khó khăn, dạy nghề, vay vốn không tính lãi, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng hàng ngàn suất quà cho các gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam. Trong khi đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Lạng Sơn huy động được trên 2 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân, hỗ trợ xây dựng mới 11 nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà cho 8 gia đình nạn nhân với trên 600 triệu đồng, hỗ trợ 43 nạn nhân chất độc da cam đi điều trị, điều dưỡng tại các bệnh viện chuyên khoa. Đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị, ông Lê Văn Dăng, Chủ tịch VAVA tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã vận động được 21 tỷ đồng và tặng hơn 22 ngàn suất quà, xây một Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân da cam. Năm nay đã vận động gần 500 triệu đồng. Tổ chức phục vụ tốt nạn nhân chất độc da cam đến Trung tâm để phục hồi chức năng và học nghề”.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách vì nạn nhân chất độc da cam

Từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: “Hiện Việt Nam có gần 300.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được trợ cấp hàng tháng, với mức trợ cấp cao nhất là hơn 2 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 800.000 đồng/tháng. Còn những người nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ 2, thứ 3 và người dân, Việt Nam đang thực hiện chính sách xã hội hóa và trợ cấp cho nạn nhân bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, miễn học phí cho con em nạn nhân chất độc da cam. Toàn quốc hiện có khoảng 30% số nạn nhân nhiễm chất độc da cam được mua thẻ bảo hiểm y tế. Khoảng 25% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam được chăm sóc phục hồi chức năng. Từ năm 2000 đến nay, một loạt các chính sách về hỗ trợ học phí, học nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cũng được ban hành”.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và có các hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin hiệu quả hơn, VAVA sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đòi công lý bằng vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất các hóa chất độc hại để quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền vận động để cho nhân dân Việt Nam và thế giới thấy được thảm họa tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học. Chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, có thể ở trong tòa, ngoài tòa và làm nhiệm vụ vận động, thuyết phục chính phủ Mỹ viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân và các công ty hóa chất của Mỹ phải bồi thường hoặc viện trợ để tẩy độc môi trường, xây dựng những cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam”.

Sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ của cộng đồng sẽ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vơi bớt nỗi đau thể xác và tinh thần.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác