Chính phủ dồn sức để đạt các mục tiêu năm 2016 ở mức cao nhất

(VOV5)- Năm 2016, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 6,3 – 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, thì trong tháng còn lại của năm phải phấn đấu quyết liệt để mức tăng GDP của cả quý IV đạt  ít nhất 7,1-7,3%. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng song lãnh đạo một số Bộ, ngành cho biết sẽ nỗ lực hết sức cùng tập thể Chính phủ đạt các mục tiêu đề ra.

Chính phủ dồn sức để đạt các mục tiêu năm 2016 ở mức cao nhất - ảnh 1
Nông dân xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN


Yêu cầu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 được đặt ra trong bối cảnh các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc như vấn đề tỉ giá USD, vấn đề lạm phát (CPI tháng 11 tăng 0,48%, 11 tháng đã tăng 4,5%, sát ngưỡng cho phép là 5%). Trong phiên họp chính phủ thường kỳ chiều 29/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016.


Tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát

Việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh được các bộ, ngành tập trung. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 12; đẩy mạnh xuất khẩu đối với từng lĩnh vực, mặt hàng phấn đấu đạt mức tăng xuất khẩu ít nhất 8%. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Tháng 12 là tháng gần Tết nguyên đán, trong khi dư địa cho CPI không còn nhiều, các bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo điều hành thận trọng duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5%. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết. Ngân hàng Nhà nước ổn định thị trường vàng, ngoại tệ và tỉ giá, đặc biệt ránh biến động lớn về tỉ giá trong thời điểm cuối năm.”


Cũng trong tháng cuối năm này, vấn đề nợ công tiếp tục được xử lý. Theo đó, Bộ Tài chính xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ BHXH, nợ đọng xây dựng cơ bản…; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 12/2016.

Chính phủ dồn sức để đạt các mục tiêu năm 2016 ở mức cao nhất - ảnh 2
Thu hoạch tôm tại Công ty Sao Đại Dương, phường Tân An. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN



Về nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; giải pháp cụ thể phát triển thị trường mua bán nợ; giám sát đặc biệt trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.


Đẩy nhanh thu ngân sách, tăng trưởng tín dụng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết số liệu mới nhất của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 11, tiến độ thu ngân sách Nhà nước 11 tháng đạt 89,8% so với dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong thu ngân sách nhà nước thì phần thu của ngân sách địa phương khá hơn, phần thu của ngân sách Trung ương còn khó khăn, chủ yếu do biến động giá dầu thô giảm nhiều trong năm nay. Để hoàn thành nhiệm vụ trong 1 tháng còn lại của năm, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết:“Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, một mặt tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển để thu ngân sách. Thứ hai, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra chống thất thu, chống gian  lận, chống buôn lậu và chống hàng giả. Thứ ba tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán mà Quốc hội đã quyết định. Trong chi thường xuyên, Bộ sẽ tiếp tục thắt chặt triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.”


Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định mức tăng trưởng tín dụng hơn 14% hiện nay là đáp ứng được những yêu cầu tăng trưởng nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, không phát sinh thêm nợ xấu. Trong tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp cụ thể để đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng như định hướng từ đầu năm: “Theo thông lệ nhiều năm, cuối năm là thời điểm tăng tín dụng rất nhanh. Từ 14% tăng lên 18% chắc chắn chúng tôi có thể điều hành được. Dòng vốn hiện nay chúng tôi xác định sẽ tập trung trước hết là vào các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt quan tâm đến các gói tín dụng chính sách để khắc phục khó khăn do thiên tai, do vấn đề môi trường cũng như tập trung vào một số lĩnh vực cần thiết để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng kinh tế.”


Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 11 tháng qua đã ghi nhận sự cố gắng lớn của tập thể Chính phủ, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,3-6,5% năm 2016 là mục tiêu không dễ dàng song với sự đồng lòng, dốc sức của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam sẽ đạt cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác