Cuộc đối đầu chưa có hồi kết

(VOV5) - Lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua, các cơ quan Chính phủ liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động vì hết ngân sách.

Trưa 1/10 (theo giờ Việt Nam), với tỷ lệ 54/46, Thượng viện Mỹ do những nghị sĩ thuộc phe Dân chủ chiếm đa số đã bác bỏ đề xuất của Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát về việc trì hoãn một năm dự luật cải cách y tế "Obamacare" để tạm thời bổ sung ngân sách cho chính phủ liên bang sau ngày 30/9.

Diễn biến này càng chứng minh cho sự đối đầu thường trực giữa đảng Cộng hòa đang kiểm soát tại Hạ viện với đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện.


Với quyết định này, ước tính có từ 800.000 đến 1 triệu công chức trong tổng số 2,8 triệu nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang phải nghỉ việc không lương; 1,4 triệu binh lính sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ nhưng có thể phải lĩnh lương chậm; Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên. Các ngành và các cơ quan làm các nhiệm vụ thiết yếu như kiểm soát không lưu, kiểm tra hành khách, các tòa án liên bang, cơ quan bưu chính, phần lớn nhân viên của Bộ An ninh nội địa sẽ tiếp tục làm việc, còn các công viên quốc gia, các thư viện và các viện bảo tàng sẽ đóng cửa.

 Trong khi đó,  trên phương diện kinh tế, sự chia rẽ sâu sắc tại Quốc hội Mỹ đã khiến đồng USD mất giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10, tại thị trường Tokyo, đồng USD giao dịch ở mức 98,16 yen/USD, giảm so với mức tương ứng 98,21 yen/USD vào cuối phiên hôm trước (30/9) tại New York và thấp hơn cả mức giao dịch 98,70 yen/USD vào đầu phiên. Cũng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 này, đồng USD hạ giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như đồng peso của Philippines, SGD của Singapore, baht của Thái Lan và đồng rupiah của Indonesia...

 Cuộc đối đầu chưa có hồi kết - ảnh 1

Rõ ràng, những tác động từ việc chính phủ của nền kinh tế lớn nhất thế giới ngừng hoạt động đã gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với nhiều mặt của đời sống thế giới. Hãng nghiên cứu IHS dự đoán, Mỹ sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm. Mức ảnh hưởng này sẽ gia tăng nếu tình trạng đóng cửa kéo dài, khiến niềm tin và chi tiêu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng suy giảm.

Dự đoán chính phủ đóng cửa trong 2 tuần sẽ khiến tăng trưởng GDP quý IV giảm 0,5%, đóng cửa trong toàn bộ tháng 10 sẽ khiến GDP giảm 2%.


"Nút thắt" lớn nhất trong cuộc chiến này là Đạo luật cải cách y tế của chính quyền Obama (Obamacare). Theo đó, đạo luật quy định tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014. Nếu không, họ sẽ bị phạt về kinh tế.

Hiện tại, nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% số dân, không có bảo hiểm y tế. Luật cải cách y tế của ông Obama hy vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm. Theo như kết quả thăm dò dư luận của hãng CNBC thì có tới 44% số ý kiến được hỏi ủng hộ việc cấp ngân sách cho chương trình cải tổ y tế này trong khi số người phản đối chỉ chiếm 38%.


Thế nhưng, tầng lớp những người giàu có và các nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối Obamacare với lý do nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ. Một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa còn cho biết bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch ngân sách tạm thời nhằm ngăn cản ObamaCare vì chương trình cải cách y tế này của chính quyền Obama, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2014, là "một thảm họa đối với người lao động Mỹ".

Và sự việc vừa diễn ra đã là thách thức lớn đối với chính phủ của Tổng thống B. Obama. Lần gần đây nhất sự cố này xảy ra là vào cuối năm 1995 và đầu năm 1996, khi Tổng thống Bill Clinton và các nhà lãnh đạo Quốc hội không đạt được đồng thuận về các điều khoản trong dự luật ngân sách. Khi đó, một một bộ phận công sở của chính phủ liên bang đã phải đóng cửa trong 21 ngày.


Hiện tại, nước Mỹ đang chờ đón một hạn định mới. Theo đó, ngày 17/10 tới sẽ là hạn cuối cho việc nâng trần nợ của chính phủ đang ở mức 16.700 tỷ USD. Nếu Quốc hội nước này không thể thông qua việc nâng trần nợ, nước Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sự bị vỡ nợ về mặt lý thuyết và như vậy sẽ phá hủy niềm tin vào nền kinh tế Mỹ. Dư luận cho rằng, cùng với vấn đề trần nợ công, vấn đề ngân sách hiện tại đã và đang đe dọa sự ổn định của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác