Cuộc khủng hoảng ở Syria: Ván bài chưa có hồi kết

(VOV5) - Những ngày gần đây, Syria tiếp tục trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Nguy cơ Syria bùng nổ một cuộc nội chiến toàn diện đã được các nhà phân tích chính trị cảnh báo khi mà những nghi vấn về mức độ thành công của kế hoạch hòa bình chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab ngày càng gia tăng. Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và cuộc bầu cử quốc hội diễn ra, bạo lực vẫn hiện diện tại quốc gia này, đẩy đất nước vào tình trạng ngày càng khó kiểm soát.

Cuộc khủng hoảng ở Syria: Ván bài chưa có hồi kết - ảnh 1
Ảnh: Internet

Trong một diễn biến mới, ngày 9/5, người đứng đầu phái bộ quan sát viên của Liên hợp quốc tại Syria, Thiếu tướng Robert Mood đã thoát chết trong một vụ nổ nhằm vào đoàn xe hộ tống ông vào thị trấn Daraa đầy bất ổn ở miền Nam nước này. Vụ tấn công đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực đang ngày một gia tăng ở Syria, bởi giờ đây, bom đạn đã không loại trừ bất kỳ thành phần nào, nhắm vào cả người đứng đầu lực lượng giám sát thỏa thuận ngừng bắn của Liên hợp quốc tại Syria. Dư luận lo ngại, bạo lực gia tăng khiến mức độ thành công của kế hoạch hòa bình do Đặc phái viên chung Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan đề xuất, đang ngày một giảm sút. Trước đó, ngày 8/5, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Kofi Annan thông báo, mức độ bạo lực ở Syria đã giảm bớt kể từ khi Liên hợp quốc triển khai quan sát viên, tuy nhiên, vị đặc phái viên này cũng thừa nhận, cả lực lượng chính phủ lẫn các nhóm vũ trang đối lập chưa chịu đình chỉ hoàn toàn các hành động bạo lực. Ông Kofi Annan cũng đồng thời cảnh báo kế hoạch hòa bình cho Syria của ông có thể là "cơ hội cuối cùng" để ngăn chặn nội chiến. Theo các nhà quan sát, nếu kế hoạch hòa bình đổ vỡ, điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Syria, mà còn gây hậu quả đối với toàn khu vực.

Vấn đề ở đây là thiện chí từ hai phía cùng với sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giúp tìm lối đi cho quốc gia này. Nhưng đáng tiếc, điều này lại không được thể hiện. Thay vì ủng hộ, nỗ lực làm trung gian hòa giải cho các bên, một số cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép, siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong một động thái mới, ngày 9/5, viện dẫn "nguy cơ lạ và bất thường" của quốc gia Arab này đối với an ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện có với Syria thêm 1năm nữa. Trước đó, ngày 8/5, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice cáo buộc Syria đã không tuân thủ kế hoạch hòa bình do Liên hợp quốc ủng hộ và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các thiết bị hậu cần và viễn thông cho các nhóm đối lập tại Syria.

Chính nhờ có sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, lực lượng nổi dậy tại Syria liên tục có cách hành vi thách thức, bạo loạn. Đơn cử như cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua tại Syria, ngày 7/5, làm ví dụ. Trước cuộc bầu cử, các thủ lĩnh phe đối lập đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử và coi đây là một "âm mưu" của Tổng thống Bashar al-Assad nhằm duy trì quyền lực, đồng thời kêu gọi cử tri tẩy chay cuộc bỏ phiếu này. Một loạt các vụ đánh bom đã xảy ra gây thương vong lớn như vụ đụng độ đẫm máu tại Aleppo và thủ đô Damascus làm hàng chục người thiệt mạng. Trong ngày 6/5, đụng độ đã xảy ra giữa quân chính phủ và các tay súng nổi dậy ở tỉnh miền Đông Deir Ezzor và trên khắp cả nước, làm ít nhất 6 người thiệt mạng. Tuy nhiên, với các biện pháp an ninh cần thiết được triển khai, cuộc bầu cử đã diễn ra êm đẹp. Tuy nhiên, nó đã bị Washington chỉ trích, xem đây là "một trò hề" do bạo lực vẫn tiếp diễn.

Hiện tại, quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Theo Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC), Jakob Kellenberger, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tại Syria đang gia tăng và ICRC đã kêu gọi tài trợ 27 triệu USD. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Sufian Allaw cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Syria đã khiến nước này thiệt hại gần 3 tỷ USD. Theo đó, công suất của Syria đã bị cắt giảm tổng cộng 35 triệu thùng kể từ khi Liên minh châu Âu và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt hồi tháng 4/2011. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đây chưa phải là điểm dừng cuối cùng nếu như không tìm ra được một giải pháp toàn diện và hữu hiệu cho vấn đề Syria.

Cộng đồng quốc tế đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ nội chiến toàn diện tại Syria. Dự kiến, ông Kofi Annan sẽ trở lại Syria trong vài tuần tới để thuyết phục các bên tuân thủ kế hoạch hòa bình. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon kêu gọi dành ưu tiên cho việc nhanh chóng hoàn tất việc triển khai các quan sát viên Liên hợp quốc đến quốc gia này. Tính đến hôm nay, có hơn 130 quan sát viên được triển khai đến Syria và con số này sẽ có thể tăng lên tới 300 trong tháng này. Thiện chí của cộng đồng quốc tế sẽ phát huy tác dụng nếu như các bên có cùng chí hướng, vì sự thịnh vượng của đất nước. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, xem ra điều này không dễ thực hiện./.

Phản hồi

Các tin/bài khác