Đảm bảo quyền con người trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân

(VOV5) -Cải tạo phạm nhân là hoạt động giáo dục mang tính đặc thù giúp cho người đang chấp hành án phạt tù có sự chuyển biến về nhận thức, thái độ, hành vi theo hướng tích cực, chuẩn bị cho giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng. Việt Nam đề cao tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc trong chính sách, pháp luật và hoạt động thực tiễn của lĩnh vực này. 


Đảm bảo quyền con người trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân - ảnh 1
Phạm nhân hái chè

Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Thực hiện các cương lĩnh, văn kiện của Đảng, cho đến nay Nhà nước Việt Nam đã gia nhập, ký kết hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Điều này là cơ sở để Việt Nam triển khai mục đích nhân đạo trong hoạt động giáo dục, cải tạo phạm nhân, đặc xá tha tù trước thời hạn và hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Đầu tư lớn cho hoạt động giáo dục, cải tạo phạm nhân

Từ năm 1957, Việt Nam đã gia nhập 4 công ước (Geneve) về Luật Nhân đạo “bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh”. Trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, trong thế bị bao vây, cấm vận của Mỹ, năm 1981, Việt Nam đã gia nhập “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc”; ký kết “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” và gia nhập 2 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đó là: “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” và “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị” trong năm 1982. Năm 1990, Việt Nam tiếp tục ký Công ước về quyền trẻ em. 

Thực hiện Chương II, Hiến pháp 2013 về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”,  đồng thời nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn, năm 2014, Việt Nam phê chuẩn công ước nhân quyền nhạy cảm, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư nguồn lực lớn để cải tạo các trại giam, nâng cao tiêu chuẩn ăn ở cho các phạm nhân, mở lớp đào tạo cho người khuyết tật… Đó là “Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Đối với việc bảo đảm quyền con người của các phạm nhân, Chính phủ Việt Nam có Nghị định “Ban hành quy chế trại giam” và Nghị định “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giam, tạm giữ năm 1988 của Chính phủ”. Các Nghị định trên bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền đối với người đang chấp hành hình phạt giam giữ. Về chế độ quản lý phạm nhân, Nghị định “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giam, tạm giữ năm 1988 của Chính phủ” quy định: “Trại giam phải tổ chức giam phạm nhân theo từng loại riêng... Phạm nhân là nữ hoặc là người chưa thành niên được giam ở khu vực riêng”; “Trại giam phải được bảo vệ nghiêm ngặt… có đủ ánh sáng, bảo đảm vệ sinh, môi trường”; “Phạm nhân được hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ”…; “được đọc sách, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, xem truyền hình”; “Trong thời gian ở trại, phạm nhân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần”.


Đảm bảo quyền con người trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân - ảnh 2
Phạm nhân được dạy đan len


Hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng


Cùng với việc đảm bảo quyền ăn ở, học tập, sinh hoạt của phạm nhân, chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng quy định rõ việc hỗ trợ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng thông qua lao động. Nghị định “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giam, tạm giữ năm 1988 của Chính phủ” quy định: “Phạm nhân lao động ngày 8 giờ”, “Nữ phạm nhân có thai được nghỉ trước và sau khi đẻ theo quy định chung của Nhà nước”. Nghị định “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giam, tạm giữ năm 1988 của Chính phủ” cũng ghi rõ: “Kết quả lao động do phạm nhân dùng để đầu tư trở lại mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của trại giam, thưởng cho phạm nhân vượt chỉ tiêu lao động”. Nếu phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trong thời gian chấp hành án phạt, Nhà nước xem xét đặc xá, tha tù trước thời hạn theo Luật Đặc xá vào các dịp Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2/9 hằng năm. Chính sách đặc xá được thực hiện  theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong việc lựa chọn người được đặc xá. Trước mỗi đợt đặc xá, chính phạm nhân tham gia bình bầu dân chủ, chọn ra những người cải tạo tốt, chấp hành nội quy trại giam tốt để hưởng quyền được đặc xá trước. Theo tính toán từ năm 2009 đến 2015, Việt Nam đã tiến hành 5 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 63.500 phạm nhân. Trong những năm gần đây, cùng với việc thi hành Luật Đặc xá, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách cho người đang thi hành án, trong đó có chính sách dạy nghề. Phần lớn những người được đặc xá năm 2015 đã có trong tay những nghề đơn giản để tái hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, toàn bộ hệ thống những quan điểm chính sách của Việt Nam đối với những người chấp hành án phạt tù thể hiện sinh động truyền thống nhân đạo, tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Xây dựng môi trường giáo dục phạm nhân lành mạnh, an toàn, gần gũi và thân thiện, hỗ trợ tối đa cho mục tiêu hòa nhập cộng đồng của phạm nhân chính là thành quả lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo quyền con người.

Phản hồi

Bùi văn lan

Đảng và nhà nước ta thật là tốt,đối xử với phạm nhân rất nhân đạo,cảm ơn đảng và... Xem thêm

Các tin/bài khác