(VOV5) - Tại Geneva, Thụy Sĩ hôm nay bắt đầu diễn ra vòng đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức. Dẫu xuất hiện một số những tín hiệu tích cực trước vòng đàm phán, nhưng dư luận cho rằng vẫn còn quá nhiều trở ngại để các bên xây dựng lòng tin, đề ra chiến lược dài hạn cải thiện quan hệ song phương theo hướng bền vững.
|
Một cơ sở được cho là nơi Iran làm giàu urani ở ngoại ô Qom ngày 26/9/2009. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Trọng tâm cuộc thảo luận diễn ra tại Geneva trong 2 ngày 7 và 8/11 là chi tiết các bước mà Iran đã đề xuất liên quan đến kế hoạch làm giầu uranium mà Tehran đã theo đuổi từ nhiều năm qua. Theo đó, Iran sẵn sàng chấm dứt việc làm giàu urani 20%, hạn chế làm giàu urani 5%, giảm số lượng máy ly tâm đang hoạt động, giảm công suất của các cơ sở hạt nhân gây tranh cãi, thậm chí sẵn sàng cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc kiểm tra bất ngờ các cơ sở hạt nhân của nước này. Đổi lại, Iran hối thúc cộng đồng quốc tế bãi bỏ lệnh cấm vận.
Những tín hiệu tích cực
Ngay trước thềm vòng đàm phán, Iran đã tỏ rõ thiện chí và sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm một giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif ngày 6/11 bày tỏ tin tưởng các bên có thể thúc đẩy một trang mới và bắt đầu quá trình làm việc cho một mục tiêu chung, đồng thời khẳng định Iran sẵn sàng đóng một “vai trò mới” trên trường quốc tế. Trước đó, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Salehi cũng tuyên bố Iran sẵn sàng hợp tác vô điều kiện với IAEA về các vấn đề “tồn tại” liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, Mỹ cũng tuyên bố trông đợi hành động cụ thể từ phía Iran để nới lỏng các biện pháp chế tài. Nhà Trắng đang thảo luận về khả năng trao cho Iran cơ hội giải ngân hàng tỉ dollar tài sản bị phong tỏa. Kế hoạch này cũng bao gồm việc chấm dứt một số lệnh cấm vận ngắn hạn nhằm vào Iran.
Trở ngại trên đường đi đến đích
Tuy nhiên, con đường tìm kiếm một giải pháp ngoại giao toàn diện cho vấn đề hạt nhân Iran đang vướng nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất chính là bản thân nội bộ Quốc hội Mỹ không thống nhất. Trong khi chính quyền Obama đang có những động thái mềm mỏng với Tehran thì các nghị sỹ Mỹ vẫn rất hoài nghi về thiện chí của Chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani. Gần đây, Hạ viện Mỹ còn thông qua những biện pháp nhằm siết chặt hơn nữa lệnh cấm vận dầu lửa đối với quốc gia Trung Đông này. Họ kêu gọi Tổng thống Obama thương lượng "một cách thận trọng tối đa" và cho rằng Washington nên áp dụng biện pháp trừng phạt mới để gây sức ép mạnh hơn đối với Iran. Ngoài ra, các nghị sĩ Mỹ cũng khẳng định rằng "một mối đe dọa quân sự thực sự" vẫn đang được cân nhắc và các biện pháp trừng phạt của Mỹ hiện nay phải được duy trì mạnh mẽ.
Trở ngại tiếp theo khiến vòng đàm phán lần này khó tạo được bước đột phá đó là phản ứng các nước đồng minh của Mỹ. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel và Arab Saudi cho rằng chính quyền Obama đi quá nhanh. Đến giờ, chính phủ Israel vẫn giữ nguyên quan điểm hoài nghi đối với thiện chí của Iran. Luôn khẳng định rằng Iran đang theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân, Israel cho rằng giới chức Iran đang chơi trò lừa bịp nhằm vào phương Tây để mong nới lỏng các lệnh cấm vận, trong khi thực tế thì vẫn theo đuổi các chương trình hạt nhân. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn quả quyết chỉ mất vài tuần lễ, Iran có thể sản xuất 90% lượng uranium cần thiết để chế tạo bom hạt nhân và đòi hỏi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải có thái độ cứng rắn hơn để đảm bảo chắc chắn Iran không có phương tiện chế tạo bom hạt nhân. Thậm chí Israel còn yêu cầu dành quyền oanh tạc các địa điểm hạt nhân của Iran với lý do đảm bảo an ninh đất nước.
Giới phân tích cho rằng, lập trường của Israel sẽ là vấn đề lớn trong tiến trình giải quyết chương trình hạt nhân Iran. Ngay cả khi không còn đồng minh hậu thuẫn, Israel vẫn có thể đơn phương tấn công Iran và đây thực sự là điều nguy hiểm cho các nỗ lực của quốc tế giải quyết vấn đề Iran bằng biện pháp hòa bình.
Khó có bước đột phá
Không thể phủ nhận một thực tế rằng cả Mỹ và Iran đều mong muốn thúc đẩy đàm phán hạt nhân vì lợi ích của mỗi bên. Do vậy, cuộc đàm phán lần này giữa Iran và nhóm P5+1 là cơ hội tốt đối với cả Iran và phương Tây vì các bên có thể tận dụng để xây dựng lòng tin, tạo bước đệm cải thiện mối quan hệ giữa Iran và cộng đồng quốc tế. Đáng tiếc, những trở ngại hiện nay khiến dư luận khó có thể lạc quan về một bước đột phá tại cuộc đàm phán lần này, bởi lịch sử hoài nghi giữa Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo Trung Đông Iran không dễ gì xóa nhòa trong chốc lát./.