Dấu ấn điều hành chính phủ năm 2021

(VOV5) - Việt Nam đã chuyển hướng từ phương châm zero COVID sang sống chung, an toàn với COVID - 19.

Năm 2021 là năm đặc biệt đối với Chính phủ Việt Nam. Đây là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng là năm dịch COVID - 19 với biến chủng Delta gây tác động lớn tới kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, tập thể Chính phủ đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong điều hành có những quyết sách dài hạn, tác động sâu đến nền kinh tế.

Năm 2021, Chính phủ đã có các quyết sách mạnh mẽ nhằm phòng, chống dịch COVID – 19, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

 Dấu ấn điều hành chính phủ năm 2021 - ảnh 1 Trong 1 thời gian ngắn, Nhà nước, Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Linh hoạt trong điều hành

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với sự xuất hiện của biến thể Delta buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Trong 1 thời gian ngắn, Nhà nước, Chính phủ đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp thành lập Quỹ vaccine; đẩy mạnh goại giao vaccine; tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%. Để đến cuối tháng 12/2021, gần 98% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều, tăng khoảng 4 lần, và hơn 80% được tiêm 2 liều, tăng hơn 21 lần so với cuối tháng 8/2021. Việc tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 cũng đang được khẩn trương triển khai.

Về bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là trẻ em mồ côi do dịch. Việt Nam đã ban hành, tiếp tục triển khai các gói chính sách lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt. Hàng chục nghìn tỷ đồng được giải ngân, hàng chục triệu lượt người được thụ hưởng, cho thấy Việt Nam thực hiện phương châm an sinh xã hội là trọng yếu, là nhiệm vụ thường xuyên.

Đáng chú ý, Việt Nam đã chuyển hướng từ phương châm zero COVID sang sống chung, an toàn với COVID - 19. Điều này đã gỡ các nút thắt để hồi phục các ngành sản xuất, kinh tế phát triển. Đến nay, hầu hết các địa phương duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Thomas Bo Pederson, Giám đốc Mascot tại Việt Nam, bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt.Họ không chỉ làm đúng những gì một Chính phủ có trách nhiệm sẽ làm nếu ở trong hoàn cảnh của Việt Nam. Một điều rõ ràng là Chính phủ của các bạn đã xác định ưu tiên số 1 là sức khỏe người dân. Không gì quan trọng hơn sức khỏe người dân. Đó là nguyên tắc dẫn đường cho mọi hành động của Chính phủ trong dịch COVID - 19. Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy Chính phủ đã sớm hiểu rằng sức khỏe kinh tế là điều quan trọng thứ 2."

 Dấu ấn điều hành chính phủ năm 2021 - ảnh 2Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam vượt 660 tỉ USD, ước xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Ảnh minh họa: congly.vn

Giữ vững các nền tảng cơ bản

Về tổng thể, năm 2021 các điều kiện nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát… Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam đã vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn các chính sách tiền tệ, tài khóa, nợ công kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; đa dạng hóa xuất khẩu, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của Việt Nam vượt 660 tỉ USD, ước xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Đây là con số rất đáng tự hào trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: "Điển hình thành công là chúng ta đã duy trì được nhịp độ sản xuất và xuất khẩu, trong đó có những trung tâm xuất khẩu rất lớn như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... Việc lớn thứ hai mà chúng ta đã làm được đó là dồn toàn lực để làm sao bảo đảm được lưu thông hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội, bao gồm cả hàng hóa là đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu cũng như là hàng xuất khẩu trên đường ra các cảng biển để xuất khẩu. Điểm cuối cùng cũng hết sức quan trọng, đó là, chúng ta đã giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu chính."

Năm 2021, Chính phủ đã nỗ lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra. Trên những thành quả đạt được, năm 2022, Chính phủ xác định tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp phù hợp, khả thi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác