(VOV5) - Quan hệ Mỹ-Cuba ấm lên đều mang lại lợi ích cho cả hai bên, phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thực hiện chuyến thăm chính thức tới Cuba từ ngày 21/3. Chuyến thăm của một nguyên thủ Mỹ tới Cuba đang mở ra hy vọng chấm dứt hơn nửa thế kỷ đối địch giữa hai bên, đồng thời góp phần định hình chính sách đối ngoại của chính quyền mới của Mỹ với quốc đảo Caribe này. Bài viết “Dấu ấn mới trong quan hệ Mỹ-Cuba”.
|
Tổng thống Ô-ba-ma đến đặt hoa tại Quảng trường Cách mạng tưởng nhớ anh hùng độc lập Hô-xê Mác-ti. Ảnh: Reuters |
Sau 88 năm kể từ năm 1928, lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ bước chân trên thảm đỏ ở sân bay Havana, thực hiện chuyến thăm chính thức Cuba. Trong chuyến thăm ba ngày này, ông Obama hội đàm với ông Raul Castro, thảo luận với doanh nghiệp Cuba, có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình Cuba và tham dự trận đấu bóng chày giao hữu giữa đội Tampa Bay Rays của Mỹ và đội tuyển quốc gia Cuba.
Chuyến thăm lịch sử
Chiếc chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Barack Obama được người dân Havana chào đón bằng những nụ cười, tiếng vỗ tay và biểu ngữ. Cuba triển khai lực lượng dày đặc tại thủ đô để bảo vệ an ninh trong khi công nhân tất bật trang hoàng thành phố. Các tấm biển chào mừng với hình ảnh ông P. Castro và ông B.Obama được dựng trên nhiều con đường và trở thành điểm chụp ảnh thu hút người qua lại. Tâm trạng người dân Cuba đối với chuyến thăm là sự pha trộn giữa phấn khích, lạc quan thận trọng. Không ít người kỳ vọng sự hiện diện của ông Obama sẽ giúp kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng cô lập và phát triển mạnh mẽ hơn.
Để chuẩn bị cho chuyến thăm này, thời gian qua, Washington và La Habana đã có nhiều bước đi tích cực. Vì vậy, chuyến thăm của tổng thống Mỹ, được xem là bước đi tiến trong việc loại bỏ các rào cản về thương mại, giao lưu và phát triển hơn mối quan hệ bình thường giữa hai nước.
Quan hệ Mỹ-Cuba ấm lên đều mang lại lợi ích cho cả hai bên, phù hợp với xu thế của thời đại, đồng thời đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cuba cũng khiến cho Washington bị tổn thất nặng nề. Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ, cấm vận kinh tế đã khiến cho tiêu thụ và xuất khẩu của Mỹ thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm và theo tính toán của “Quỹ chính sách Cuba”, mức thiệt hại của nền kinh tế Mỹ lên tới 3,6 tỷ USD/năm. Ngoài ra, do các biện pháp trừng phạt kinh tế, người dân Mỹ không thể kịp thời được hưởng các sản phẩm có tính đột phá trong ngành y của Cuba. Vì thế, nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Mỹ có thể giành được lợi ích lớn.
Với Cuba, nối lại quan hệ với Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường bên ngoài lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi Cách mạng Cuba giành thắng lợi và xây dựng chính quyền xã hội chủ nghĩa năm 1959, Mỹ liên tục gây sức ép với Cuba trên cả phương diện chính trị và kinh tế. Điều này khiến cho Cuba tuy có vị trí địa lý chiến lược và tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng không thể phát huy được lợi thế này. Cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước Cuba. Tiến trình cập nhật hóa mô hình nền kinh tế đang diễn ra ở quốc gia vùng Caribe này cần có sự hỗ trợ của về nguồn vốn, công nghệ và năng lượng từ bên ngoài.
Còn tồn tại những khác biệt
Tuy nhiên, những lợi ích này không đồng nghĩa với việc Cuba và Mỹ bỏ qua những khác biệt lớn còn tồn tại bất chấp những bước cải thiện không ngừng trong thời gian qua. Bản thân Tổng thống Obama, với quan điểm rất tích cực trong quan hệ với Cuba so với những người tiền nhiệm, vẫn công khai tuyên bố rằng chính sách mới của ông đối với đảo quốc Caribe này không phải là sự thay đổi về mục đích mà chỉ là thay đổi về cách thức tiến hành. Về phần mình, trong mọi phát ngôn chính thức, Chính phủ Cuba đều nhấn mạnh không từ bỏ bất cứ lý tưởng hay nguyên tắc cách mạng nào mà nhân dân Cuba đã hi sinh quá nhiều để xây dựng và giữ vững. Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Obama, nhật báo "Granma", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, đăng bài xã luận khẳng định La Habana sẵn sàng thúc đẩy quan hệ song phương với Washington và tiếp tục kiên định con đường xã hội chủ nghĩa của mình. Cuba khẳng định rất rõ lập trường rằng để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, Washington phải xóa bỏ hoàn toàn lệnh bao vây cấm vận kinh tế, tài chính, thương mại chống La Habana, cũng như trả lại Vịnh Guantanamo, phần lãnh thổ Mỹ đang chiếm đóng trái phép làm căn cứ quân sự.
Vì thế, đánh giá chuyến thăm Cuba của Tổng thống Obama, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng trong trung hạn, sự kiện này sẽ tạo ra một chính sách năng động hơn đối với Cuba nói riêng và khu vực Mỹ Latinh nói chung. Cả hai bên còn phải cần thêm nhiều thời gian nữa để kê bằng những khác biệt. Những thay đổi trong đường hướng đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama đối với Cuba và khu vực Mỹ Latinh liệu có được chính quyền kế tiếp theo đuổi, còn tùy thuộc vào đảng nào lên nắm quyền trong nhiệm kỳ tới.