Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

(VOV5) -  Ngày 15/9, Tổng bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến thăm diễn ra trong 3 ngày là sự kiện chính trị đặc biệt trong quan hệ song phương Việt Nam-Nhật Bản năm 2015, là một dấu mốc quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” theo phương châm “tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai”.

 

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - ảnh 1


Tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, phát huy lợi ích tương đồng, nâng cao hiệu quả hợp tác, nỗ lực hướng tới tương lai. Đó là những đặc điểm rất dễ nhận thấy khi nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những thập niên vừa qua.


Hai bên đã xây dựng mối quan hệ tin cậy và hiện mối quan hệ này đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, đạt đến khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được trông đợi sẽ mở ra một tầm nhìn mới cho quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

 

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - ảnh 2
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và kiều bào chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Thành tâm hợp tác, yếu tố tạo nên quan hệ lâu bền

Sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản là một điểm sáng nổi bật. Cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế, nhưng hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng nhau, coi trọng lẫn nhau. Cội rễ của lòng tin là những tương đồng về văn hóa, “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”, là những kết dính của những mối liên hệ lịch sử, ở tinh thần “thành tâm hợp tác”, ở sức sống mãnh liệt của tình cảm nhân dân hai nước yêu mến nhau. Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không ngừng được củng cố và tăng cường thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mistuo Sakaba cho rằng: “Liên tiếp trong quãng thời gian ngắn, những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam thăm Nhật Bản. Và thêm vào đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã thăm Việt Nam. Tại các Hội nghị, Diễn đàn quốc tế, các cuộc gặp cấp cao cũng thường xuyên được tiến hành. Theo tôi, đây là một thông điệp thể hiện rằng quan hệ hai nước đã trở nên thân thiết và sự tin tưởng lẫn nhau đã ở mức rất cao”.


Thực chất hiệu quả hợp tác

Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản hiện đã trở thành những đối tác hàng đầu của nhau. Nhiều công trình làm thay đổi diện mạo đất nước Việt Nam đều có sự đóng góp hiệu quả của Nhật Bản từ nguồn vốn, kỹ thuật. Có thể kể đến công trình cầu Nhật Tân, nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường vành đai 3 trên cao Hà Nội..Đây chính là những biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.


Hơn 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nước viện trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Đến năm tài khóa 2015 này, lượng ODA mà Chính phủ Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam đã lên tới mức kỷ lục 3 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm trước đó. Năm 2014, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên mức "Đối tác chiến lược sâu rộng". Với niềm tin được củng cố trên cơ sở lợi ích chiến lược tương đồng nên từ năm 2014 đến hết nửa đầu năm nay, từ vị trí thứ 4, Nhật Bản đã vươn lên hàng thứ 2 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức (năm 2013) đã cho thấy sự coi trọng quan hệ với Việt Nam.


Quan hệ Việt-Nhật hướng tới tương lai

Trên cơ sở đó, chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường khẳng định chuyến thăm Nhật Bản của lãnh đạo cao nhất Việt Nam là một sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong quan hệ song phương Việt Nam-Nhật Bản năm 2015: “Các lãnh đạo chủ chốt của Nhật Bản như Thủ tướng Shinzo Abe, Chủ tịch Thượng viện Yamazaki, Chủ tịch Hạ viện Oshima đều đánh giá cao vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, đều mong muốn tăng cường quan hệ thực chất và hiệu quả với Việt Nam. Cho nên, cả hai bên đều hết sức coi trọng chuyến thăm, mong muốn và nỗ lực hết mình để chuyến thăm thành công tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giớ.”


Nhân chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trao đổi ý kiến thẳng thắn về rất nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế và hợp tác phát triển, phối hợp hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên sẽ đạt được nhiều kết quả cụ thể nhằm xây dựng quan hệ Nhật Việt hướng tới tương lai. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam
Fukada Hiroshi khẳng định: “Hai nước đã cùng hợp tác và phát huy vai trò của mình một cách tích cực vì hòa bình, an ninh và phồn vinh của khu vực Châu Á và thế giới. Có thể nói điều này là biểu hiện của việc cụ thể hóa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” giữa hai nước. Tôi hy vọng trong thời gian tới, hai nước sẽ vừa phát triển quan hệ song phương, đồng thời trên cơ sở đấy hai nước sẽ cùng phổ quát giá trị chung ra khu vực và quốc tế, có nghĩa là hai nước sẽ trở thành đối tác tốt nhất của nhau”.


Lịch sử đã chứng minh, một mối quan hệ khi đạt được những quyết tâm chính trị cao của những nhà lãnh đạo, trên nền tảng hữu nghị của nhân dân hai nước sẽ là mối quan hệ bền vững nhất. Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, có thể bổ sung, tương trợ, cùng phát triển và hai nước đang cùng nỗ lực nắm bắt những cơ hội mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác