Đẩy mạnh triển khai quy hoạch vùng, tạo đột phá mới trong phát triển vùng kinh tế

(VOV5) - Các đại phương đã và đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. 

Phát triển vùng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước. Quá trình hình thành vùng và phân vùng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đầu tư công, thu hút đầu tư phát triển kinh tế và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các Bộ, ngành, địa phương trong năm nay và những năm tiếp theo là đẩy mạnh triển khai quy hoạch từng vùng, từ đó, tạo ra đột phá mới trong phát triển vùng kinh tế, góp phần đạt mục tiêu Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Đẩy mạnh triển khai quy hoạch vùng, tạo đột phá mới trong phát triển vùng kinh tế - ảnh 1Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội, tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế-xã hội, gồm: vùng trung du và miền núi phía Bắc; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, với 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đông Nam Bộ là vùng có diện tích nhỏ thứ hai cả nước, nhưng là đầu tàu kinh tế, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.

Triển khai quy hoạch vùng Đông Nam Bộ gắn với Quy hoạch tổng thể Quốc gia

Theo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5 vừa qua, các địa phương trong vùng đứng trước cơ hội để có những bước chuyển mình ấn tượng. Định hướng của quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 là hướng tới tạo đột phá, tăng cường liên kết vùng, trọng tâm là việc phát triển hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ và hiện đại vùng Đông Nam Bộ bao gồm cả 5 phương thức vận tải, là điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương trong nước và quốc tế. Vùng Đông Nam Bộ cũng sẽ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính – thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Đẩy mạnh triển khai quy hoạch vùng, tạo đột phá mới trong phát triển vùng kinh tế - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ hôm 10/08, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng, yêu cầu: "Phải triển khai nhanh, cụ thể quy hoạch, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các Bộ, ngành trong vùng để cùng nhau giải quyết những khó khăn, mở ra kết nối trong vùng. Tôi đề nghị tập trung cho 3 đẩy mạnh. Thứ nhất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt và thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội cho phát triển của vùng nhanh và bền vững. Thứ 2, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng, vận dụng hiệu quả cuộc cách mạng khoa học 4.0, trong đó, tập trung vào các ngành mới nổi, như: đổi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực đang phát triển, như: chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, hydrogen… Thứ 3, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia hàng đầu để tạo động lực mới, góp phần thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra".

Thúc đẩy liên kết vùng, tạo đột phá trong phát triển vùng kinh tế

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Khai thác tốt hơn thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất.

Để đạt được mục tiêu phát triển vùng đã đề ra, thời gian qua, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ nói riêng và 5 vùng kinh tế - xã hội còn lại của cả nước nói chung đã và đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy nhanh hoàn thành tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, sớm đưa các dự án vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo sự liên kết giữa các vùng. Hiện, tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700km trên khắp mọi miền đất nước, từ các dự án cao tốc thuộc trục Bắc – Nam, các dự án kết nối theo trục Đông – Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, trong đó có khoảng 1.200km dự kiến hoàn thành vào năm 2025, nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000km. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng đang nỗ lực triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3, đoạn từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), quyết tâm khánh thành dự án vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9 năm nay.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp thứ 13, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải hôm 08/08, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo, nhấn mạnh: "Các công trình triển khai, hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới, tạo ra các khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu du lịch, tăng giá trị gia tăng của đất, giảm giá thành logistic, tăng cạnh tranh của hàng hóa, nhất là tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân. Cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, đã có trọng tâm, trọng điểm thì xác định cụ thể và lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm".

Quy hoạch 06 vùng thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể Quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển, giúp mở đường, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên không gian của từng địa phương. Việc triển khai quy hoạch sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo ra những đột phá mới trong phát triển các vùng kinh tế của đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác