Dùng chiêu trò xuyên tạc cũng không thể bôi đen thực tế tự do báo chí của VN

(VOV5) - Nội dung đánh giá của RSF vẫn tiếp tục phớt lờ thực tế về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Dùng chiêu trò xuyên tạc cũng không thể bôi đen thực tế tự do báo chí của VN - ảnh 1Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Ảnh: TTXVN

Xuyên tạc, suy diễn về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam là chiêu trò luôn được một số tổ chức, đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam, trong đó có tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) sử dụng. Ngày 3/5/2022, tổ chức RSF lại công bố cái gọi là “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” xếp hạng tự do báo chí toàn cầu, trong đó có các thông tin sai sự thật về tình hình tự do báo chí của Việt Nam. Đây thực chất là trò bổn cũ soạn lại nhằm hạ thấp uy tín nhân quyền Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022 do RSF công bố xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chỉ số cụ thể của Việt Nam được nêu ra gồm chỉ số chính trị ở hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170 và chỉ số an ninh 170. Trong bảng xếp hạng này, RSF đã vu cáo rằng: “các phóng viên và blogger độc lập thường bị bỏ tù”. Tổ chức này còn tỏ vẻ bênh vực, cổ xúy cho một số hội nhóm, cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam.

Hình thành từ năm 1985, RSF tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, có trụ sở quốc tế tại Paris. Đây là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc làm cơ sở để hành động. Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hiệp quốc, tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới cáo buộc RSF đứng đằng sau những vụ việc phức tạp, gây rối, bất ổn, kích động bạo lực. Thực chất, RSF tồn tại và hoạt động dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. Chính vì vậy, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động. Việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp, do đó không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Dùng chiêu trò xuyên tạc cũng không thể bôi đen thực tế tự do báo chí của VN - ảnh 2Bản đồ tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới trong báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022 - Ảnh: AFP

Cần khẳng định rằng Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Nhà nước Việt Nam bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin là những quyền cơ bản của quyền con người, của mọi công dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền hưởng thụ thông tin của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 chỉ rõ quyền của công dân là: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí của công dân và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí cũng được Luật Báo chí 2016 quy định rõ ràng. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của công dân luôn song hành, không tách rời nhau; mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí, đồng thời đều phải có nghĩa vụ thực hiện quyền ấy trong khuôn khổ pháp luật.

Cũng như bất kỳ các quốc gia trên thế giới, một mặt, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Mặt khác, không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Ở Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật như tung tin giả, tin xấu độc, xuyên tạc, vu cáo hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận... thì bị xử lý theo pháp luật.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Chất lượng truy cập Internet Việt Nam cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, một số thông số cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế. Điều này phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam phục vụ nhu cầu sử dụng Internet. Trong khi đó, thông tin từ các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận. Đây là thực tế không thể phủ nhận về tình hình tự do báo chí ở VN.

Rõ ràng, nội dung đánh giá của RSF trong cái gọi là “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” năm 2022 vẫn tiếp tục phớt lờ thực tế về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Càng ngày, RSF càng lộ rõ bản chất định kiến với Việt Nam, cố tình phủ nhận những nỗ lực, thành tựu đạt được của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những luận điệu xuyên tạc của RSF thực chất là trò “bổn cũ soạn lại”, mục đính nhằm bôi đen hiện thực, vẽ ra bức tranh tối màu về tình hình tự do báo chí để đả phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cho dù RSF có dùng chiêu trò gì thì tổ chức này cũng không thể bôi đen thực tế tự do báo chí ở VN.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác