(VOV5) - Các thành viên G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) vừa bế mạc hôm 8/11, tại Tokyo. Hội nghị thông qua Tuyên bố chung đề cập đến nhiều chủ đề nóng của thế giới, thể hiện “lập trường thống nhất” của G7 về các vấn đề, như xung đột Nga-Ukraine, xung đột ở dải Gaza, cũng như các diễn biến trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 8/11/2023 - Ảnh: AFP/TTXVN |
G7 (gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, và Italy) đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu. G7 còn là tập hợp tiếng nói, phản ánh quan điểm tương đồng và lợi ích của các quốc gia phát triển trong giải quyết các vấn đề chung về an ninh quốc tế và thúc đẩy các cuộc thảo luận giải quyết thách thức toàn cầu.
Đạt lập trường chung trong cuộc xung đột ở Trung Đông.
Một trong những kết quả thành công của hội nghị lần này là việc các bên thể hiện “lập trường thống nhất” của G7 về cuộc xung đột ở Trung Đông. Đây là tuyên bố thứ hai do G7 đưa ra về vấn đề này kể từ khi xung đột bùng phát giữa tổ chức Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ngày 7/10. Tuyên bố, bên cạnh việc lên án các cuộc tấn công, kêu gọi thả con tin ngay lập tức. G7 nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, kêu gọi các bên cho phép hoạt động viện trợ nhân đạo, bảo vệ dân thường, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Các thành viên G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông. Các ngoại trưởng Nhóm G7 cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các bên để chuẩn bị các giải pháp lâu dài, bền vững cho Gaza, nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước, đảm bảo cho cả người dân Palestine và Israel chung sống trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau, là cách duy nhất để đạt được nền hòa bình ổn định và lâu dài.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 8/11/2023 - Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Việc các ngoại trưởng G7 thống nhất lập trường chung trong vấn đề xung đột ở Trung Đông được xem là thành công nổi bật tại Hội nghị lần này. Bởi, cho đến nay, Mỹ vẫn phản đối lời kêu gọi ngừng bắn mà chỉ ủng hộ một lệnh “tạm ngừng nhân đạo” vì cho rằng Israel có quyền tự vệ. Tuy nhiên, các nước khác trong G7 lại có lập trường hoàn toàn khác. Trong khi đó, Nhật Bản, nước chủ nhà của Hội nghị G7, là một đồng minh thân cận của Mỹ, lại theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng với các quốc gia Trung Đông.
Trước đó, tháng 10 năm nay, tại cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong số 7 nước G7, chỉ có Mỹ bỏ phiếu chống và Pháp bỏ phiếu ủng hộ kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, trong khi Nhật Bản, Anh, Italy, Đức và Canađa đều bỏ phiếu trắng. Điều này cho thấy, lập trường giữa các nước G7 về tình hình xung đột tại dải Gaza có nhiều khác biệt. Bởi vậy, việc các thành viên G7 đưa ra tiếng nói chung rõ ràng về tình hình hiện nay ở Dải Gaza tại Hội nghị lần này, thể hiện sự xích lại gần nhau của nhóm G7 trong giải quyết các thách thức.
Khẳng định hợp tác giải quyết các thách thức chung
Ngoài vấn đề xung đột Hamas – Israel, các ngoại trưởng G7 cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, dựa trên quy định của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng sẽ không được chấp nhận ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
G7 ủng hộ một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trung tâm và đoàn kết, thúc đẩy hợp tác phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. G7 nhất trí tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ ổn định và xây dựng với Trung Quốc, tái khẳng định vai trò quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý chi phối mọi hoạt động ở biển và đại dương.
Đối với xung đột Nga-Ukraine, G7 khẳng định lập trường thống nhất trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời cùng với các đối tác quốc tế thúc đẩy các nỗ lực khôi phục hòa bình tại Ukraine. G7 tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác với các nước Trung Á để giải quyết các thách thức khu vực; thúc đẩy liên kết thương mại và năng lượng, kết nối và giao thông bền vững. Các ngoại trưởng G7 cam kết xây dựng hơn nữa tình đoàn kết quốc tế ngoài G7 để giải quyết các thách thức toàn cầu rộng lớn hơn, như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân và bình đẳng giới, bao gồm chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Những kết quả tại Hội nghị ngoại trưởng G7 vừa diễn ra tại Nhật Bản đã đạt được thành công nhất định trong thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên về các giải pháp cho các vấn đề nóng trên toàn cầu. Sau các cam kết, cộng đồng quốc tế hy vọng G7 sẽ đưa ra các hành động cụ thể để thực hiện các cam kết này, nhất là các quốc gia trực tiếp liên quan đến các cuộc xung đột. Sự hợp tác của các bên liên quan đóng vai trò không thể thiếu trong nỗ lực của G7 để tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhanh chóng cho các xung đột nói riêng cũng biện pháp giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu nói chung.