Giá trị đặc sắc của đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam”

(VOV5) - Thực tiễn ngoại giao trong hai năm qua cũng tiếp tục làm phong phú và sâu sắc hơn các bài học quý báu về đối ngoại trong công cuộc đổi mới. 

“Ngoại giao cây tre Việt Nam” là khái niệm được nhiều nhà ngoại giao nhắc đến khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam. Khái niệm này không phải là một trường phái ngoại giao mới, mà là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Giá trị đặc sắc của đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam” - ảnh 1“Ngoại giao cây tre Việt Nam” là khái niệm được nhiều nhà ngoại giao nhắc đến khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam - Ảnh: vneconomy.vn

Trước những biến chuyển lớn của thời đại, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, đối ngoại Việt Nam càng thể hiện rõ ràng bản sắc để bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ lợi ích của đất nước trong thế giới đại đồng. Đó là, tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021,Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho rằng hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, Việt Nam đã xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao đặc sắc thời đại Hồ Chí Minh. Trường phái ngoại giao đó mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam”, theo đó: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Gốc vững chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia, dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. Thân chắc chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ đổi mới đã được thực tiễn kiểm chứng và vun đắp hơn 36 năm qua. Cành uyển chuyển là ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Chính sách “ ngoại giao cây tre” của Việt Nam gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.Theo nhà báo Ngụy Vi, Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc, "ngoại giao cây tre" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể mô tả bằng cụm từ "lập trường chính trị rõ ràng, cách thức ngoại giao linh hoạt". Ông Kyril Whittaker, đảng viên Đảng Cộng sản Anh, nhận định chính sách đối ngoại cây tre đã cho thấy sức mạnh của việc không từ bỏ các nguyên tắc, song luôn linh hoạt và thích ứng với một thế giới đang thay đổi, tìm cách tạo ra các mối quan hệ mới trong khi phát triển các mối quan hệ hiện có, của Việt Nam. Trong khi đó, ông Khamvisan Keosouphan, nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, cho rằng trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam” phù hợp với mọi thời đại, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột; gắn với thực tiễn của thế giới, đưa Việt Nam hòa nhập dòng chảy của thời đại. Về phần mình. Ông Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS)  của Indonesia, cho rằng chính sách "ngoại giao cây tre" đã góp phần tạo nên thành tựu của Việt Nam.

Đóng góp vào sự phát triển và đưa Việt Nam hội nhập mạnh mẽ

Trong bối cảnh phức tạp, nhiều biến động của tình hình thế giới hai năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đã tăng cường, củng cố quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đưa số nước có quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam lên 4 nước; số nước có quan hệ ngoại giao lên 190 nước. Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 nhiệm kỳ 2022-2023; trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025; trúng cử Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Giá trị đặc sắc của đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam” - ảnh 2Khoảnh khắc đoàn Việt Nam vui mừng khi trúng cử làm thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: TTXVN

Các hoạt động đối ngoại theo tinh thần “ngoại giao cây tre” đã củng cố vững chắc cục diện đối ngoại  để Việt Nam có môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Thực tiễn ngoại giao trong hai năm qua cũng tiếp tục làm phong phú và sâu sắc hơn các bài học quý báu về đối ngoại trong công cuộc đổi mới. Đó là, càng đứng trước khó khăn, thử thách, càng phải kiên định trong nguyên tắc, linh hoạt, sáng tạo trong sách lược; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.

Thành tựu đối ngoại và ngoại giao năm 2022 cũng như từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay đã khẳng định trường phái đối ngoại và ngoại giao “cây tre Việt Nam” dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao, văn hóa dân tộc là phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: "Tình hình càng phức tạp, thì càng kiên trì về nguyên tắc, càng linh hoạt về sách lược. Để làm được điều đó, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hết mình, quyết tâm phát triền nền ngoại giao Việt Nam “vừa hồng vừa chuyên”, trong sạch, vững mạnh, tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng – để xứng đáng với sứ mệnh nặng nề nhưng hết sức vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế, “cây tre Việt Nam” vẫn giữ vững thế ổn định và vươn lên nhờ “gốc vững” là kiên định độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cơ động trong sách lược, ứng xử với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Qua đó, Việt Nam đã khẳng định một quốc gia bản lĩnh, chân thành, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm; đồng thời, giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, bất định.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác