Hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

(VOV5) -Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khởi nghiệp không phải là một phong trào, mà đó là tinh thần và quyết tâm.

Bên cạnh 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thì đổi mới, sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân được xem là hai động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Đây là những nội dung được người đứng đầu chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất, do Bộ kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.

Nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả cơ hội và thách thức đan xen.  Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để cải cách và phát triển. Do đó, câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để Việt Nam tận dụng triệt để mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0

Thúc đẩy năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và tăng cường khởi nghiệp là cách để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong thời gian tới.Về điều này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp như hiện nay. Cũng chưa khi nào có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thành công như bây giờ. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khởi nghiệp không phải là một phong trào, mà đó là tinh thần và quyết tâm. Phát biểu tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018 mới đây tại Đà nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết tạo xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam: "Người dân, doanh nhân đổi mới sáng tạo, cùng song hành với Chính phủ để đưa kinh tế Việt Nam đột phá, bắt kịp và cùng tiến với các nước phát triển.

Hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam - ảnh 1 Hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Ảnh thoibaokinhte

Diễn đàn hôm nay đưa đến cơ hội cho nhiều đại diện ưu tú của cộng đồng khởi nghiệp trẻ, với những dự án khởi nghiệp táo bạo, trao đổi những kinh nghiệm và truyền lửa cho nhau. Với những văn bản đã được ban hành thời gian qua, chúng ta đã tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Tại đây tôi cam kết rằng, Chính phủ sẽ quyết tâm tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới đây."

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách phù hợp, trong đó, tập trung vào hoàn thiện môi trường pháp lý, thực thi về sở hữu trí tuệ; hoàn thiện các thể chế thị trường về khoa học - công nghệ và tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cá nhân hoạt động sáng tạo, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. 

Tăng tốc cải cách hành chính để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã khẳng định vai trò trong nền kinh tế với giá trị đóng góp khoảng 40% vào GDP. Khu vực này cũng thu hút khoảng 5 triệu việc làm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Điều đáng nói, đây cũng là khu vực có nhiều đột phá, đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam dù có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản, nhất là các rào cản liên quan đến khung khổ pháp lý, môi trường đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, để kinh tế tư nhân có những bước phát triển đột phá hơn nữa thì việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh là mấu chốt đang đặt ra hiện nay.

Đó không đơn thuần là xóa bỏ rào cản, hay cởi trói cho doanh nghiệp, mà chính là tạo ra điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của nền sản xuất, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khẳng định: "Quá trình rà soát và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là quá trình thường xuyên, chứ không phải là sau khi thực hiện và sau đó dừng. Cần có cơ chế kiểm soát độc lập khi đặt ra điều kiện doanh mới, những giấy phép kinh doanh mới. Nếu các bộ ngành có thể dễ dàng đặt ra các điều kiện kinh doanh mà không cân nhắc đến điều kiện chung, không cân nhắc đến quyền tự do kinh doanh thì rõ ràng đó là thất bại trong quá trình cải cách điều kiện kinh doanh và thủ tục tục hành chính ở Việt Nam".

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định việc phát huy sâu sắc vai trò động lực của kinh tế tư nhân sẽ là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi trường kinh tế quốc tế và khoa học - công nghệ nhiều biến động trong thời gian tới. Theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam đã và luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân, nhằm hiện thực hoá tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác