Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu không đem lại sự ổn định, hòa bình

(VOV5) - Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Châu Âu chính thức được kích hoạt mới đây sau gần 1 thập kỷ lập kế hoạch, tiếp tục khoét sâu thêm bất đồng vốn có giữa Nga và phương Tây. Bất chấp những cảnh báo của Nga cũng như một thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa các cường quốc với Iran đã đạt được, động thái này của Mỹ có thể đe dọa hòa bình ở Châu Âu và các nước khác.

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu không đem lại sự ổn định, hòa bình - ảnh 1
Các tên lửa đánh chặn SM-2 đặt tại Ru-ma-ni, nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu. Ảnh: AFP

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu được Mỹ đề xuất từ những năm 80 với mục tiêu chính là để đối phó với Liên Xô. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại vào năm 2007 với mục đích mới là để đối phó với tên lửa tấn công từ Iran. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Nga và lại tiếp tục ngừng trệ. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama tiếp tục triển khai hệ thống này, nhằm bảo vệ các đồng minh NATO ở châu Âu đối với các đe doạ từ tên lửa đạn đạo của Iran, CHDCND Triều Tiên.

 

Gia tăng căng thẳng do Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu

Hồi tuần trước, giới chức Mỹ và NATO tuyên bố sẵn sàng vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa này tại căn cứ không quân ở Deveselu, một khu vực ít dân cư tại Nam Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch triển khai đầu tư cho cơ sở này. Đồng thời, Mỹ cũng triển khai thiết lập hệ thống phòng thủ thứ hai tại Ba Lan. Cơ sở này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018 và sẽ cùng với các rada và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải tạo nên một hệ thống phòng thủ 24/24 giờ cho NATO.

 

Trong khi phía Mỹ khẳng định việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ ở Ba Lan và Romania là nhằm đối phó với các đe doạ từ tên lửa đạn đạo của Iran thì Tổng thống Nga Vladimir Putin quả quyết các hệ thống tên lửa phòng thủ Mỹ là nhắm vào Nga, cụ thể là nhắm vào kho vũ khí hạt nhân của Nga. Tổng thống V.Putin cảnh báo việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania vi phạm Hiệp ước loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được hai nước ký cách đây gần 30 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Nga. Để đáp trả, Nga đã bổ sung 3 sư đoàn tại khu vực phía Tây và phía Nam đất nước và tuyên bố Nga sẽ vô hiệu hoá các hệ thống tên lửa phòng thủ của NATO ở châu Âu.

 

Tránh chạy đua vũ trang vì sự ổn định, hòa bình chung

Từ trước tới nay, chưa khi nào Nga đồng ý về sự hiện diện của một lá chắn tên lửa như thế ở Đông Âu. Và giờ đây, Điện Kremlin cũng phản ứng quyết liệt bởi chương trình tên lửa này. Tổng thống Putin đã có hàng loạt cuộc họp với giới chức an ninh, kỹ thuật quân sự để bàn thảo giải pháp tăng cường sức mạnh phòng thủ của Nga. Tính toán lại toàn bộ việc bố trí chiến lược, tăng ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vũ khí mới, là những điều mà Moscow triển khai.

 

Lo ngại của Nga về an ninh hoàn toàn có cơ sở khi mục đích của hệ thống này là đối phó tên lửa Iran nhưng đến nay thì quan hệ của phương Tây với Iran đang thay đổi cơ bản. Trong khi đó, hệ thống của NATO không chỉ có khả năng phòng thủ mà cả tấn công và lại được triển khai rất gần Nga. Moscow không thể không tính toán lại toàn bộ việc bố trí chiến lược, tăng cường ngân sách quốc phòng và quân sự, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vũ khí mới, đặc biệt về tên lửa chiến lược và sách lược, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù tuyên bố Nga sẽ không để cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và phương Tây nhưng các chuyên gia phân tích nhận định điều này khó tránh khỏi. Thực tế, để đối phó với dự án đồ sộ của Mỹ và NATO, Nga đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình siêu âm hiện đại 3M22 Zircon vào năm 2018 để trang bị cho các tàu tuần dương hạt nhân. Không chỉ đầu tư nhiều cho tên lửa hạt nhân, xe tăng đời mới, máy bay tàng hình, Nga gần đây còn duy trì một đội quân đông và mạnh nhất với khoảng 800.000 lính. Nhằm đối trọng, quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu, phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh. Tuy nhiên, không một tên lửa siêu thanh của Lầu Năm Góc có thể được đưa vào chế tạo trong tương lai gần. Trong khi đó, lo ngại trước tiềm lực quân sự của Nga, Ba Lan cũng nỗ lực hiện đại hóa quân sự của mình. Ba Lan có kế hoạch chi khoảng 62 tỉ USD cho hiện đại hóa quân sự của mình, gấp đôi ngân sách của chính phủ trước đó đề xuất.

 

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng sau vấn đề Ukraine, động thái của Mỹ và những phản ứng gay gắt của Nga quanh hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu rất có thể gây nên cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu. Dư luận hy vọng các vấn đề trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa Mỹ và Liên bang Nga, vì đây là sự ổn định hòa bình chung của mọi quốc gia, dân tộc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác