Hội nghị cấp cao ASEAN 36 – Triển khai các ưu tiên trong bối cảnh mới

(VOV5) - Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 hôm nay (22/6) bắt đầu được tổ chức tại Việt Nam với các hoạt động đầu tiên.

Hội nghị  diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch COVID-19 đã và đang lan rộng trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của các nước, người dân thế giới nói chung, ASEAN nói riêng. Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đang tiếp tục nỗ lực thể hiện vai trò của mình, đảm bảo cho Hội nghị đạt những kết quả nhất định phù hợp với tình hình mới.

Đại dịch COVID-19 cũng tác động lớn tới ASEAN nói chung và nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra là cơ hội để Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Hội nghị cấp cao ASEAN 36 – Triển khai các ưu tiên trong bối cảnh mới - ảnh 1Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đang tiếp tục nỗ lực đảm bảo cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 đạt những kết quả nhất định phù hợp với tình hình mới. - Ảnh: Reuters/ baoquocte.vn

Nỗ lực “Gắn kết và chủ động thích ứng”

Do ảnh hưởng dịch bệnh, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26/6 theo hình thức trực tuyến. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên Khai mạc, Phiên họp toàn thể, các Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.

Trước đó, trong các ngày 22-24/6/2020, diễn ra các Hội nghị trù bị. Các bộ trưởng Ngoại giao, Công thương, Lao động-Thương binh và Xã hội, chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26, Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21, Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 23.

Theo Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, mặc dù đại dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp, những Việt Nam vẫn tích cực chuẩn bị và sẵn sàng cho Hội nghị cấp cao 36 và các Hội nghị của năm 2020: “Trong bối cảnh dịch Covid 19 đang có những diễn biến phức tạp ở các nước và trên toàn thế giới thì có một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình. Việt Nam với tư cách Chủ tịch của ASEAN 2020 đã nỗ lực và tích cực cùng với các quốc gia thành viên của ASEAN để có thể tổ chức các hội nghị trong khuôn khổ năm chủ tịch ASEAN thành công.”

Phát huy vai trò của ASEAN trong thế giới đầy biến động

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chủ động và kịp thời tổ chức thành công nhiều hội nghị trực tuyến trong ASEAN và với các đối tác, ở tất cả các cấp, nhằm thúc đẩy các nội dung, sáng kiến của năm Chủ tịch, bảo đảm tiến độ công việc không bị ngừng trệ hoặc gián đoạn, đúng như tinh thần chủ đề năm 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Trước tình hình dịch bệnh, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trọng tâm là rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp khắc phục trong triển khai các nội dung, sáng kiến của năm Chủ tịch ASEAN 2020 dưới tác động của COVID-19. Trên cơ sở đó, Việt Nam đề xuất tập trung triển khai 4 ưu tiên chính đã được các Lãnh đạo ASEAN nhất trí trước đó, gồm: thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19; Xây dựng Kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế; Xây dựng Quy trình tiêu chuẩn của ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; và Xây dựng Kế hoạch phục hồi của ASEAN hậu COVID-19.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định ưu tiên cao nhất vẫn là đảm bảo tính mạng của người dân ASEAN: “Một là ngăn ngừa, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Hai là hỗ trợ người dân của các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống học tập, làm việc tại các quốc gia thành viên của nhau và ở nước thứ 3. Và thứ 3 là giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.”

Ngay từ đầu năm nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy, đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của COVID-19 cho thấy chủ đề và phương châm đó thật đúng lúc và đích đáng hơn bao giờ hết. Những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN 36 sẽ tiếp tục triển khai các nội dung bảo đảm thực hiện thành công các sáng kiến của năm Chủ tịch ASEAN 2020, phù hợp với tình hình mới, để ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác