(VOV5) - Bầu không khí trước thềm Hội nghị G20 tại Argentina được đánh giá là khá nóng bởi nhiều vấn đề cần tranh luận và quan điểm khác biệt nhau giữa các cường quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ diễn từ ngày 30/11 đến 1/12 tại Buenos Aires, Argentina.
Hội nghị năm nay đánh dấu 10 năm diễn đàn này ra đời, thảo luận về chính sách cũng như giải pháp cho nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang gặp thách thức, diễn đàn quan trọng bậc nhất cho hợp tác kinh tế thế giới dự báo có thể bị phủ bóng đen bởi những xung đột lợi ích giữa các nước lớn, sự rạn nứt trong đồng thuận quốc tế về nhiều vấn đề.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) chụp ảnh chung tại Hội nghị thường niên ở Bali, Indonesia - Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
|
Hội nghị G20 năm nay có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ nhóm G7 (các nước công nghiệp phát triển hàng đầu), 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và 5 nền kinh tế mới nổi trong nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Các thành viên G20 chiếm khoảng 63% dân số thế giới và khoảng 84% đầu tư thương mại toàn cầu.
Hàng loạt vấn đề gai góc đang chờ tại G20
Bầu không khí trước thềm Hội nghị G20 tại Argentina được đánh giá là khá nóng bởi nhiều vấn đề cần tranh luận và quan điểm khác biệt nhau giữa các cường quốc.
Trước hết, sự cố ở eo biển Kerch gần đây giữa Nga và Ukraine đang khiến quan hệ Washington - Moscow hết sức căng thẳng. Ngay trước thềm Hội nghị diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa có thể hủy bỏ cuộc họp đã được lên kế hoạch từ trước với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina. Phát biểu của ông Trump đưa ra sau khi lực lượng an ninh của Nga ngày 25/11 bắt giữ 24 thủy thủ cùng 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc vi phạm lãnh hải Nga ở eo biển Kerch, gần bán đảo Crimea trên Biển Đen. Nga coi hành động xâm phạm này của các tàu Ukraine là “khiêu khích”. Phía Mỹ gọi vụ Nga bắt các tàu Ukraine là "một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế" và kêu gọi các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, Pháp, Đức, hai quốc gia đầu tầu trong Liên minh Châu Âu (EU) phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt Nga mà thay vào đó lựa chọn giải pháp ngoại giao cho xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, bản thân Nga cũng đang có những phản ứng gay gắt trước việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đe dọa Nga sẽ không bỏ qua nếu Mỹ triển khai kế hoạch bố trí tên lửa tầm ngắn và trung tại châu Âu. Trong hoạch định chính sách quân sự của mình, Nga sẽ sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ có các hành động đe dọa các mục tiêu chiến lược bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Nga ngỏ ý không muốn đẩy tình hình đi quá xa nên sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề này.
Bên cạnh đó, dư luận còn lo ngại G20 sẽ là nơi Mỹ-Trung “giành” diễn đàn để giải quyết tranh chấp thương mại. Trước thềm cuộc họp được đánh giá là quan trọng nhất trong năm này, Tổng thống Donald Trump vẫn không ngừng đe dọa Trung Quốc. Ông Trump thậm chí còn cứng rắn tuyên bố nếu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không thành công, Washington sẽ đặt thuế lên những hàng hóa còn lại được nhập khẩu từ Trung Quốc mà hiện nay chưa phải chịu thuế. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ áp dụng mức thuế 10% trên iPhone và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hồi tuần trước, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Port Moresby, Papua New Guinea đã chứng kiến màn đấu khẩu gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến các vấn đề cải cách tổ chức thương mại thế giới và chủ nghĩa bảo hộ. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang không ngừng gia tăng khiến dư luận lo ngại kịch bản sẽ lặp lại như ở APEC 2018 tại Hội nghị G20 lần này.
G20 có là cơ hội hóa giải các khúc mắc?
Từ những diễn biến trên khó mà lạc quan được về bất kỳ bước đột phá đáng kể nào tại hội nghị G20 sắp tới. Các nhà quan sát quốc tế nhận định thành công của Hội nghị G20 tại Buenos Aires chỉ có thể xảy ra khi các bên tôn trọng lẫn nhau.
Với căng thẳng Mỹ-Trung, thực tế là những khác biệt trong quan hệ Mỹ - Trung có thể tạo nên nhiều rủi ro cho cả hai quốc gia nếu một cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, chiến tranh lạnh hay thậm chí là một cuộc xung đột vũ trang. Những nguy cơ này chỉ có thể tránh khỏi khi hai nhà lãnh đạo đều sẵn sàng thỏa thuận với nhau dựa trên các quy tắc. Tương tự, trong cặp quan hệ Nga-Mỹ, dù mối quan hệ song phương của hai nước đã "chạm đáy" trong thời gian gần đây, song hai nhà lãnh đạo đều hiểu rõ một cuộc đối đầu quân sự sẽ không có lợi và Hội nghị G20 vẫn là một sự kiện đáng mong chờ cho những thay đổi trong quan hệ giữa hai nước. Hội nghị G20 có đạt được bước đột phá nào hay không còn phải chờ những diễn biến tiếp theo tại Buenos Aires, Argentina.